MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn chiều 6.6. Ảnh:N.B

Nóng với đặc khu, cải cách tiền lương

KHÁNH HOÀ LDO | 07/06/2018 08:55
Chiều 6.6, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội trong hơn 120 phút với hàng chục câu hỏi xoay quanh những vấn đề nóng mà cử tri và dư luận quan tâm từ vấn đề đặc khu, tăng tuổi hưu, cải cách tiền lương tới vấn đề thuốc giả, cà phê pin.

Đặc khu: Nhiệm vụ đặc biệt, cán bộ cũng đặc biệt

Một trong những vấn đề “nóng” được các đại biểu đưa ra chất vấn Chính phủ là câu chuyện đặc khu. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi về sự phát triển và đóng góp của 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cũng như ảnh hưởng của các đặt khu tới sự ổn định, về an ninh quốc phòng, sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước theo thời gian.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chất vấn về các tiêu chí chọn cán bộ cho đặc khu, nhất là chức danh Chủ tịch. Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội đang thảo luận dự luật này; tính toán cách đồng bộ lợi ích kinh tế, thu hút đầu tư, kinh tế quốc phòng… và khẳng định dù có các đặc khu này hay không thì Hà Nội, TPHCM luôn là đầu tàu động lực của cả nước. Riêng 7 vùng kinh tế trọng điểm thì chúng ta vẫn tiếp tục tập trung cơ chế chính sách, phát huy thế mạnh các vùng này để lan tỏa các địa phương khác.

“Việc ra đời đặc khu không ảnh hưởng gì tới nguồn lực của Trung ương, địa phương tập trung cho phát triển 2 đầu tàu kinh tế và 7 khu kinh tế trọng điểm” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Liên quan tới vấn đề nhân sự tại các đặc khu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, nói là đặc khu là có tính chất đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt “thì chắc cán bộ cũng phải đặc biệt”, dự luật cũng quy định lựa chọn người đứng đầu là Chủ tịch đặc khu với quy trình chặt chẽ theo hướng: Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, HĐND bầu và Thủ tướng phê chuẩn. “Tôi nghĩ chắc chắn sẽ chọn được người đủ đức, đủ tài” - Phó Thủ tướng nói.

Trước đề xuất Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng chỉ đạo liên kết vùng, đại diện Chính phủ thấy rằng, đây là ý kiến rất đúng và sẽ tiếp thu.

Cân đối ngân sách để cải cách tiền lương

Trước băn khoăn của đại biểu Bùi Sỹ Lợi về việc Chính phủ 3 lần lỡ hẹn cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng thừa nhận vấn đề được quan tâm hiện nay đó là cải cách tiền lương và được dư luận phấn khởi khi Trung ương đã ban hành nghị quyết cải cách tiền lương tại Hội nghị Trung ương 7.

Ban chỉ đạo đề án cũng như Chính phủ đã trình lên Bộ Chính trị và Trung ương để thảo luận. Theo Phó Thủ tướng, tăng lương không phải là toàn bộ nội dung cải cách tiền lương nhưng đây là vấn đề cốt lõi và căn bản và để thực hiện được cải cách tiền lương, nhất là vấn đề tăng lương chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Liên quan tới câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ đang rất cao, Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề này nhạy cảm, đụng chạm đến hàng chục triệu người. Kinh nghiệm các nước giải quyết việc này rất sớm nhưng có lộ trình chặt chẽ, không tạo sốc cho thị trường lao động, dựa vào tổng thể nhiều yếu tố.

Nếu tăng tuổi nghỉ hưu mà không tạo việc làm mới cho người bước vào thị trường lao động thì không tăng tuổi nghỉ hưu được, hay phải dựa vào cơ cấu ngành nghề, vấn đề già hoá dân số; liên quan đến bình đẳng giới. Nghị quyết Trung ương quyết định từ năm 2021 thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình thận trọng. Sau này sửa Luật Lao động thì Quốc hội sẽ quyết định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn