MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Ngọc Canh bồi hồi nhớ lại những ngày cùng Trung đoàn Thủ đô về tiếp quản Hà Nội năm 1954. Ảnh: Lan Nhi.

NSND Lê Ngọc Canh - nhớ mãi ngày về tiếp quản Thủ đô năm 1954

Phạm Đông - Lan Nhi LDO | 10/10/2020 09:00

Trong ký ức của GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh, ngày 10.10.1954 là một mốc son lịch sử đặc biệt. Đó là những phút giây hạnh phúc hiếm có, khi ông được nhận nhiệm vụ cùng với Trung đoàn Thủ đô - đoàn quân đầu tiên về tiếp quản Hà Nội năm 1954.

Ký ức hào hùng năm xưa

Những ngày tháng 10 lịch sử, trong căn nhà nhỏ của mình trên phố Láng Hạ, TP. Hà Nội, GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh (sinh năm 1933), nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam lại bồi hồi nhớ về những ký ức hào hùng năm xưa. Đó là những năm tháng toàn Thủ đô nhất tề đứng lên chống giặc, cứu nước.

Khi đó, nhân dân Hà Nội đã thay nhau đốn cây, đồng lòng mang tất cả vật dụng như bàn ghế, sập gụ, tủ chè, giường phản, nồi niêu... ra đường thành lập chiến lũy, đắp ụ chiến đấu, lập thành trận đồ bát quái trong nội thành để đánh giặc.

Ông Canh nhớ lại, từ năm 13 tuổi, ông đã là thành viên của Đội Thiếu sinh quân quyết tử thuộc Trung đoàn Thủ đô, trực tiếp tham gia chiến đấu trong 60 ngày đêm giam chân Pháp tại Hà Nội. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, đầu năm 1947, ông đã cùng Trung đoàn bí mật rút khỏi Thủ đô, tiến lên chiến khu Việt Bắc nhằm chuẩn bị cho bước phát triển mới, bảo toàn lực lượng.

Đoàn quân tiến về Hà Nội trong ngày giải phóng Thủ đô 10.10.1954. Ảnh tư liệu

Ông Canh cho biết: “Ngày 17.2.1947, trong đêm tối mịt mù, từng đơn vị của Trung đoàn Thủ đô đã bí mật tập trung ở đình làng Phất Lộc (gần phố Hàng Đậu). Từ đó, theo hướng gầm cầu Long Biên, lội ra bãi giữa rồi vượt sông bằng thuyền của đội du kích Hồng Hà thuộc Tứ Tổng. Từ đó băng qua sông Hồng tới Phúc Yên thuộc vùng tự do của ta”.

Theo ông Canh, cuộc rút quân thầm lặng, thần kỳ đến mức cả Trung đoàn Thủ đô có gần 1200 người đều vượt qua vòng vây một cách dễ dàng. Suốt 9 năm hoạt động tại chiến khu Việt Bắc, những ngày tại đây, ông Canh và đồng đội được đơn vị rèn luyện kỷ cương quân ngũ, tạo điều kiện hoàn thành các chương trình văn hóa.

Ông Canh cho biết, với những đêm không ngủ, các chiến sĩ, thiếu sinh quân lại quây quần bên đống lửa, kể về Hà Nội với những kỷ niệm thời niên thiếu, nhớ về Thủ đô qua những lời bài hát: Nhớ về Hà Nội, Thủ đô huyết thệ... mà lòng bồi hồi, xúc động, ước hẹn ngày về trong chiến thắng.

Ông Lê Ngọc Canh từng tham gia chiến đấu chống Pháp tại Hà Nội. Ảnh: Lan Nhi

Niềm vui ngày giải phóng Thủ đô

Lời thề chiến thắng đã thành hiện thực, trước khi vào trung tâm Thủ đô, Trung đoàn của ông Canh đã nhận được lệnh tập trung 1 tuần tại làng Sấu Giá (nay thuộc huyện Hoài Đức). Rạng sáng ngày 10.10.1954, trong trí nhớ của ông Canh, Nhân dân Thủ đô thức dậy từ rất sớm. Khi lệnh giới nghiêm vừa dứt, người người đổ ra khắp phố phường và năm cửa ô trong không khí cờ, hoa, biểu ngữ muôn màu sắc để chào đón đoàn quân trở về.

Sáng sớm, cả Trung đoàn Thủ đô tiến thẳng về Thủ đô theo 5 cửa ô, vừa đi vừa hát bài Tiến quân ca. Lễ chào cờ đầu tiên sau ngày tiếp quản được long trọng tổ chức tại cột cờ Hà Nội (nay là Đoan Môn, thuộc Hoàng Thành Thăng Long). Chiều hôm đó, các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối nghiêm chỉnh.

Bước sang tuổi 87, nhưng hằng ngày GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh vẫn miệt mài lao động, nghiên cứu nghệ thuật múa. Với những cống hiến đó, ông đã được UBND Hà Nội công nhận là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020. Ảnh: Lan Nhi.

Trong ký ức của ông Canh, ai cũng rưng rưng xúc động khi nghe lời tâm thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô sau ngày giải phóng. Nhiều người không giấu được những giọt nước mắt vui mừng mà vỡ òa trong hạnh phúc.

“Sau buổi chào cờ, đơn vị Trung đoàn Thủ đô của tôi đều ở lại đóng quân, canh gác hầu khắp các khu vực nội thành như Cửa Bắc, Cửa Nam, Cửa Đông... Đã 66 năm trôi qua, những khoảnh khắc thiêng liêng trong ngày Giải phóng Thủ đô vẫn còn in đậm trong tâm trí của tôi.

Dù Hà Nội có đang trên con đường kiến thiết, phát triển đất nước, nhưng dấu ấn về những phút giây hào hùng vẫn còn đó, sống mãi cùng tháng năm” - ông Canh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn