MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Trần Thị Thục Oanh (Hà Nội) nay đã 90 tuổi chống gậy đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Hữu Chánh

Nữ bác sĩ quân y 90 tuổi chống gậy tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

NHÓM PV LDO | 26/07/2024 15:50

Trải qua nhiều sự kiện lớn của dân tộc, bà Trần Thị Thục Oanh (Hà Nội) nay đã 90 tuổi. Nữ bác sĩ quân y đi từ sáng sớm ngày 26.7 đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Dù chân tay đã dần yếu, muốn đi lại phải chống gậy, thế nhưng từ 4h sáng ngày 26.7, bà Trần Thị Thục Oanh vẫn nhờ con cháu đặt xe taxi để đi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Tôi vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người hết lòng vì dân, vì nước. Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng sáng nay, tôi vẫn cố gắng đến thật sớm" - bà Oanh nói.

Là bác sĩ quân y, người chiến sĩ cách mạng, bà Oanh có 38 năm tham gia phục vụ chiến đấu trong Kháng chiến chống Pháp, Kháng chiến chống Mỹ và Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang). Nhớ lại những tháng năm kháng chiến, ngoài công việc chuyên môn chính, bà Oanh cùng đồng đội phát rẫy, làm nương, đào hầm, dựng lán, cõng gạo, khiêng cáng thương binh, tải đạn... khắp các chiến trường.

Bà Oanh kể, năm 1954, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nữ bác sĩ quân y có mặt ở những nơi chiến tranh ác liệt nhất, từ Ba Khe, Lũng Lô, Cò Nòi, đến đèo Pha Đin... Ở Điện Biên Phủ, máy bay ném bom, đường rừng hiểm trở; có những ngày, bà phải vác, cõng, khiêng thương binh về tuyến sau, đưa về Viện 9 ở tỉnh Yên Bái; tiếp tục cùng đồng đội chữa trị cho cán bộ, chiến sĩ.

Giữa giai đoạn cam go, ác liệt của Chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ ở Việt Nam vào năm 1965, bà Oanh lại cùng đồng đội vượt Trường Sơn, đi bộ xuyên rừng, lội suối vào Tây Nguyên; có thời điểm hoạt động trong lòng địch ở vùng ngã ba Đông Dương (Lào, Campuchia, Việt Nam).

Không ít lần, bà Oanh phải vượt sông Sê Kông (một phụ lưu quan trọng của sông Mê Kông) chữa bệnh cho người dân. "Không hiểu vì sao lúc ấy tôi không sợ chết, không nghĩ đến cái chết; không sợ bom đạn, tinh thần hăng hái một mực là phải giải phóng bằng được miền Nam, thống nhất đất nước" - bà Oanh nói.

Sáng 26.7, sau khi vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Oanh ngồi nghỉ ngơi ở cổng Nhà tang lễ Quốc gia. Trên khuôn mặt của nữ bác sĩ chiến trường, nỗi đau buồn không thể giấu nổi. Song, bà cũng cảm thấy mãn nguyện khi hôm nay đã kịp tới viếng, tiễn biệt người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chị Vương Thị Kim Thư - một người dân đến viếng Tổng Bí thư - tình nguyện đưa bà Thục Oanh về đến tận nhà. Ảnh: Hữu Chánh

Chị Vương Thị Kim Thư (sinh năm 1985, trú tại Láng Hạ) là một trong hàng nghìn người dân đến viếng Tổng Bí thư từ sáng sớm. Chị Thư cũng hỏi thăm và giúp đỡ bà Oanh đặt xe. Song, khi biết sức khỏe của bà không được tốt, khó di chuyển, chị Thư đã tình nguyện lấy xe máy cá nhân, chở bà về tận nhà.

"Nhìn thấy bà già yếu và khó đi, tôi không cầm được lòng. Sau khi biết nhà bà ở Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy, Hà Nội), tôi đã đưa bà về đến nơi mới yên tâm được" - chị Thư chia sẻ.

Một số hình ảnh người dân sau khi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng ngày 26.7 tại Nhà tang lễ Quốc gia:

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn