MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khảo sát dự án sân bay Long Thành. Ảnh: H.A.C

Ổn định cuộc sống người dân vùng tái định cư sân bay Long Thành: “Không bao giờ coi người dân là cản trở”

HÀ ANH CHIẾN LDO | 02/08/2017 05:30
Trong ngày 31.7 và 1.8, Đoàn Công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã trực tiếp gặp gỡ người dân, chính quyền huyện Long Thành và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai xoay quanh vấn đề giải quyết việc làm, tổ chức ổn định cuộc sống sau tái định cư cho người dân vùng sân bay Long Thành.

Tại buổi làm việc với UBND huyện Long Thành, ông Ngô Thế Ân - Chủ tịch UBND huyện Long Thành - cho biết: Để thực hiện dự án, phải di dời trên 4.700 hộ dân (gần 15.000 nhân khẩu). Và cấp thiết nhất hiện nay là vấn đề giải quyết việc làm cho người dân. Ông Ân cho biết, hiện có khoảng 70% người dân vùng dự án phải di dời nằm trong tuổi lao động và chủ yếu thuộc lớp lao động nông thôn. “Khi di dời, những người trẻ có thể vào các Cty ở những KCN lân cận để làm việc.

Tuy nhiên, đối với nhóm người từ 40-45 tuổi thì việc làm công nhân là không thể do họ ngoài độ tuổi tuyển dụng. Những người có tuổi từ 60-65 ở địa phương có thể bám ruộng vườn để sống nhưng chuyển ra vùng tái định cư thì khó có việc làm” - ông Ân cho biết và đề xuất Ủy ban Kinh tế Quốc hội xem xét các biện pháp hỗ trợ đối với nhóm người ở độ tuổi cao này.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai - một thành viên đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội - cho biết: “Tôi quan sát các dự án di dời tái định cư khác và thấy cách tiếp cận chưa ổn, vì dự án đó xem người dân vùng bị thu hồi đất như là rào cản trở ngại tiến độ dự án. Nếu giả sử dự án sân bay Long Thành có vai trò cực kỳ quan trọng với đất nước và không chọn được vị trí nào tốt hơn thì người dân đang cư trú ở địa bàn là nơi có tiềm năng quan trọng của đất nước. Do đó, việc di dời người dân tại đó không phải chỉ bồi thường cho họ, mà người dân đó phải được thưởng để tương xứng vị trí quan trọng của dự án sân bay Long Thành, thỏa đáng hài hòa lợi ích Nhà nước lấy của xã hội và lợi ích người dân trực tiếp chịu tác động của dự án, bởi họ không phải là nguyên nhân mà là nạn nhân của dự án”.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo tỉnh Đồng Nai lại cho rằng: Họ đã và đang triển khai nhiều công việc để người dân được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án. “Chúng tôi không bao giờ coi người dân là cản trở, chúng tôi khẳng định người dân vùng dự án sân bay Long Thành thiệt thòi khá lớn, đã trên 10 năm” - ông Trần Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - khẳng định.

Ông Vĩnh cho biết thêm: Chúng tôi quan tâm nhất là người dân sau khi chuyển đổi làm sao có chỗ ở ổn định và công việc ổn định. Ở huyện Long Thành sẽ chuyển dịch sang cơ cấu công nghiệp - dịch vụ nên đối với lao động bình thường vẫn kiếm được việc làm, lao động có tay nghề càng dễ kiếm hơn. Chúng tôi cũng đã làm việc với ngành hàng không, để khi bắt đầu xây dựng sân bay Long Thành cần những lao động gì thì chúng tôi sẽ bố trí họ vào làm. Về lâu dài chúng tôi sẽ hướng nghiệp cho con cái họ về làm ở sân bay Long Thành và có cuộc sống ổn định.

“Chúng tôi biết có những đối tượng lao động trên 40 tuổi, trên 50 tuổi là cực khó, họ bị thiệt thòi, nhưng con cháu họ sau 10 năm nữa sẽ được hưởng lợi rất nhiều và gia đình họ cũng được hưởng lợi. Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt nhất nhưng sẽ không thể cầu toàn 100% được” - ông Vĩnh nói.

Theo đại diện Sở LĐTBXH, tỉnh Đồng Nai đã bố trí vốn đầu tư cho các đơn vị đào tạo tại Đồng Nai, tập trung giải quyết việc làm cho số lao động ở 6 xã vùng dự án tại huyện Long Thành, phối hợp với Cảng hàng không để đào tạo lao động là con em vùng dự án. “Chúng tôi cũng đã có tờ trình, có kế hoạch cụ thể triển khai dự án” - vị đại diện này cho biết.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn