MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Nguyễn Đức Trung trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cho Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology (Trung Quốc) tháng 8.2023. Ảnh: Phạm Bằng

“Ổn trung cầu tiến”

Tiến sĩ Trần Thu Minh - Đại học Ngoại Thương LDO | 08/12/2023 10:27

Năm 2023 là năm kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc (2008-2023). Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc năm 2023 mang đặc điểm “ổn trung cầu tiến” (tiến lên trong ổn định) dưới sự lãnh đạo của hai Đảng Cộng sản - một kênh hợp tác đặc biệt mà ít quốc gia nào có được.

Từ sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10-11.2022), quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế phát triển ổn định theo hướng thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực và có thể được khái quát bởi một số con số như sau:

MỘT. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mà Trung Quốc xây dựng quan hệ này. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Từ năm 2018, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

HAI. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 10 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta, với kim ngạch đạt 49,5 tỉ USD, tăng 5%. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường khách du lịch lớn thứ 2 đến Việt Nam, với 1,12 triệu lượt, chiếm 12,6% tổng lượng khách, chỉ sau Hàn Quốc.

BA. Trong nửa đầu năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư vào 233 dự án ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 1,3 tỉ USD, đứng thứ 3 sau Singapore và Nhật Bản.

Từ đầu năm đến nay, các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước được tích cực triển khai. Phía lãnh đạo Trung Quốc thăm Việt Nam phải kể đến 3 chuyến thăm: Chuyến thăm của Trưởng Ban liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu (tháng 9), Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (tháng 11) và chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị (tháng 12).

BỐN. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới, tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc).

NĂM. Từ đầu năm 2023, quan hệ chính trị với Trung Quốc cũng được Việt Nam không ngừng thúc đẩy thông qua hàng loạt chuyến thăm cấp cao, trong đó phải kể đến 5 chuyến thăm quan trọng, bao gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (tháng 10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 6 và tháng 9); Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai (tháng 4), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (tháng 8).

SÁU. Tính đến tháng 11.2023, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.032 dự án, với tổng số vốn đăng ký trên 26 tỉ USD, đứng thứ 6 trên tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

BẢY MƯƠI BẢY VÀ MỘT NGHÌN. Trung Quốc cấp cho Việt Nam 77 học bổng toàn phần từ bậc đại học đến tiến sĩ tại Trung Quốc trong năm 2024 theo diện hiệp định. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết cung cấp không dưới 1.000 suất học bổng Chính phủ cho Việt Nam trong 5 năm.

BỐN VÀ BA. Các hoạt động hợp tác giữa quân đội hai nước đã diễn ra sôi động trong năm 2023. Hợp tác quốc phòng được tích cực thúc đẩy, đặc biệt thông qua chuyến thăm Trung Quốc của Đại tướng Phan Văn Giang (tháng 10). Hợp tác trong lĩnh vực này được thúc đẩy với bốn cơ chế chính, gồm: Trao đổi đoàn; Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; Hợp tác giữa lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển; Hợp tác trong quản lý biên giới đất liền.

Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc thống nhất ở ba nguyên tắc quan trọng: (i) Kiểm soát tốt bất đồng, cùng tìm ra biện pháp xử lý một cách thỏa đáng, phù hợp với nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; (ii) Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); (iii) Sớm hoàn thành xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Có thể thấy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc năm 2023 mang đặc điểm “ổn trung cầu tiến” (tiến lên trong ổn định) dưới sự lãnh đạo của hai Đảng Cộng sản - một kênh hợp tác đặc biệt mà ít quốc gia nào có được. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều đang trong giai đoạn phát triển then chốt, chính vì thế phát triển quan hệ song phương theo hướng ổn định, lành mạnh, chất lượng cao sẽ là xu thế tất yếu trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn