MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: N.Thành.

Ông Mai Tiến Dũng: Quy định nêu gương tạo sự tự giác để dân giám sát

Xuân Hải LDO | 01/01/2019 11:00

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, quy định nêu gương trong thời điểm quy hoạch cán bộ cấp chiến lược rất quan trọng vì nó tạo ra sự tự giác và sự giám sát của người dân, cộng đồng.

- Thưa ông, mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (số 08-QĐi/TW, ngày 25.10.2018), theo Bộ trưởng, một Chính phủ nêu gương thì đòi hỏi phải làm gì? Bản thân Bộ trưởng là Ủy viên Trung ương thì sẽ thực hiện quy định nêu gương như thế nào?

Tôi cho rằng, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương là rất quan trọng, nó mang tính giáo dục, sự gương mẫu. Nêu gương mang tính tự giác, mỗi người phải tự soi xét mình. Đây là điều rất quan trọng. Vị trí càng cao thì tính nêu gương càng phải tốt hơn, sáng hơn, tự giác hơn.

Với trách nhiệm trước Chính phủ, thành viên Chính phủ, việc đầu tiên tôi phải làm theo chức trách được giao là rèn luyện bản thân và hoàn thành chức trách, trách nhiệm. Cái gì được giao thì phải làm đàng hoàng, làm tốt để cùng nhau xây dựng một Chính phủ tốt.

Ví dụ, những Chỉ thị tham mưu thì phải mang tính mạnh mẽ. Như tham mưu ban hành Chỉ thị 34 liên quan đến Tết thì tất cả những gì liên quan đến chỉ đạo phải gương mẫu, không đi xe công đi chùa. Nếu mình không gương mẫu thì báo chí, người dân sẽ phản ánh lên. Đi đâu cũng có người dân biết, giám sát hết.

Yêu cầu là phải quyết liệt, phải hành động. Là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng, rất nhiều trường hợp, tôi phải báo cáo Thủ tướng, nếu sai tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Có những việc Thủ tướng băn khoăn, yêu cầu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho ý kiến, tôi phải có báo cáo riêng. Cách làm của Thủ tướng chặt chẽ lắm, cái gì là cá nhân, cái gì là tập thể, Thủ tướng nêu đích danh thì tôi phải ký mang tư cách cá nhân Bộ trưởng để Thủ tướng quyết định trên cơ sở pháp luật.

- Theo Bộ trưởng, Quy định trách nhiệm nêu gương này có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay, nhất là trong thời điểm Trung ương đang quy hoạch cán bộ cấp chiến lược vào Ban chấp hành Trung ương khóa mới?

Chính phủ nhiệm kỳ này ban hành nhiều chương trình hành động để thực hiện các Nghị quyết Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11, 12, chống các tư tưởng thoái hóa, biến chất. Trong khi, vấn đề chấn chỉnh công tác cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ công chức của cả hệ thống chính trị thì quy định nêu gương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Nhiệm kỳ này, ban hành rất nhiều quy định của Đảng, mang tính rất dài hơi, ngay cả quy hoạch cấp chiến lược nhiệm kỳ này cũng làm bài bản, rõ nét, minh bạch hơn, đặc biệt là nghiêm cấm chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch được thực hiện rất nghiêm.

Quy định nêu gương trong thời điểm quy hoạch cán bộ cấp chiến lược rất quan trọng vì nó tạo ra sự tự giác và sự giám sát của người dân, cộng đồng dân cư rất rõ, nếu anh không nêu gương thì sẽ công khai mọi người đều biết.

- Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trong đó có Bộ trưởng cùng các thành viên Chính phủ. Vậy Bộ trưởng cảm nhận như thế nào về kết quả đó?

Tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội vừa qua rất khách quan, đánh giá rất công tâm và thực chất. Lần đầu tiên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đây là điều rất tốt, bởi đại biểu đã giám sát công việc của mình và đại biểu chất vấn để nắm rõ xem mình sẽ có những giải pháp tiếp theo cho công việc là gì, như thế nào để tiếp tục giám sát.

Bản thân tôi cũng thấy rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã đánh giá sự cố gắng của mình. Bên cạnh số phiếu tín nhiệm cao nhiều thì vẫn còn những phiếu tín nhiệm, tín nhiệm thấp, từ đó giúp tôi phải cố gắng hơn nữa. Đây là thước đo rất quan trọng để mình làm tốt hơn, chứ không vì thế mà nghĩ mình làm được nhiều việc, nhưng người ta không ghi nhận, rồi tự ái là không được. Chuyện đó là bình thường. Tôi cho rằng việc đánh giá đó rất công tâm, vì ở lĩnh vực này mình làm được, lĩnh vực khác mình làm chưa được, nên phải cố gắng, rèn giũa để làm tốt hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn