MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hồng Nam. Ảnh: Báo Nhân Dân

Ông Nguyễn Hồng Nam được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao

PHẠM ĐÔNG LDO | 08/07/2023 07:45

Ông Nguyễn Hồng Nam, Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội được phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 97/2023/QH15 phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đối với ông Nguyễn Hồng Nam, Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 24.6.2023.

Ông Nguyễn Hồng Nam, sinh năm 1968, ở xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, là Tiến sỹ luật.

Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội, ông là Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La.

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong Báo cáo số 455/BC-ĐGS ngày 19.5.2023 của Đoàn giám sát.

Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật về thiết bị y tế, Luật An toàn thực phẩm và các luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, tình trạng khẩn cấp.

Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại và ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền để xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng...

Ngoài ra, đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nhân viên làm việc tại trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản; tiếp tục áp dụng chính sách đào tạo cử tuyển đối với người học là người dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực nhân viên y tế cơ sở; điều động, luân phiên bác sỹ, nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở, nhất là tại trạm y tế xã.

Quốc hội yêu cầu nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn