MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Bùi Đức Thụ - nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh HB

Phải có "nhạc trưởng" để đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch

Vương Trần LDO | 22/12/2020 18:43
Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác với các luận điệu, quan điểm sai trái là nhiệm vụ chính trị, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương phải phối kết hợp có hệ thống, tạo thành một "dàn nhạc" có "nhạc trưởng" để xử lý những vấn đề này.

Xuất hiện tin đồn, quan điểm sai trái nhằm phá vỡ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thực tiễn cho thấy, từ đại hội Đảng các cấp cho tới trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị càng ra sức đẩy mạnh tất cả các hoạt động chống phá với những thủ đoạn rất tinh vi, chống phá toàn diện trên nhiều phạm vi, lĩnh vực.

Đặc biệt, nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề quan trọng hàng đầu được các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc với luận điệu sai trái rất nặng nề, nhằm phá vỡ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Theo nhiều nghiên cứu của các chuyên gia chính trị học, hiện nay, các thế lực thù địch triệt để sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền các thông tin xấu, độc và các luận điệu sai trái, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta, nhất là tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng (chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh).

Thời gian qua, không ít thông tin xấu độc, tiêu cực xuất hiện trên mạng xã hội, kéo theo hàng trăm bình luận, chia sẻ. Xuất hiện những vụ việc lôi kéo biểu tình hay kích động người tham gia mạng xã hội phản đối lại một chính sách đang còn nhiều ý kiến khác nhau.

Trao đổi về vấn đề này, TS Bùi Đức Thụ - nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, thời gian qua, đặc biệt là những năm gần đây, các thế lực thù địch, chống phá sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng bộc lộ nhiều hơn.

Nhất là trong thời đại "cách mạng 4.0", khi mạng xã hội ra đời và phát triển ngày càng lớn mạnh, các thế lực đù địch đã lợi dụng điều kiện này để tuyên truyền, chống phá Đảng và Nhà nước dưới nhiều hình thức như xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

"Đặc biệt, trong điều kiện năm 2020, chúng ta tiến hành Đại hội Đảng các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc đầu năm 2021, các phần tử chống đối Đảng và Nhà nước trong và ngoài nước đã không từ một thủ đoạn, hình thức nào để kích động, chống phá, quấy rối, xuyên tạc đường lối của Đảng và Nhà nước ta, làm ảnh hưởng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân; giữa Đảng và Tổ quốc…", TS Bùi Đức Thụ nói.

Phải có "nhạc trưởng" xử lý

Theo TS Bùi Đức Thụ, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, chúng ta cần tập trung thực hiện một số giải pháp như sử dụng sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và tổ chức xã hội; nâng cao trách nhiệm các cơ quan trong hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội...

Theo TS Bùi Đức Thụ, đầu tiên, chúng ta phải tuyên truyền cho người dân biết rõ được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khi người dân nắm rõ được đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước, họ sẽ có niềm tin, cho dù các đối tượng thù địch, chống phá dù có bằng cách nào, hình thức nào cũng không có tác dụng đối với nhân dân.

Thứ hai, các cơ quan tuyên truyền, thông tin đại chúng, hãng thông tấn truyền hình, báo chí phải có những bài viết tuyên truyền, đấu tranh, vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn, nội dung xuyên tạc trước công chúng để nó tạo thành dòng lý luận, dòng tư tưởng chính thống.

Thứ ba, phải khẳng định rằng, trong điều kiện hiện nay, mạng thông tin cần mở rộng chứ không ngăn cấm hoặc thu hẹp. Việc này trong Luật cũng đã khẳng định rõ. Theo đó, cần tăng cường quản lý mạng, sàng lọc những thông tin sai sự thật, vu khống đối với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, khi phát hiện không chỉ ngăn chặn, gỡ những bản tin mà chúng ta có thể căn cứ vào đó, tùy vào mức độ sai phạm nặng, nhẹ có thể xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

"Chúng ta phải coi đây là nhiệm vụ chính trị và các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương phải phối kết hợp có hệ thống, tạo thành một "dàn nhạc" có "nhạc trưởng" để xử lý những vấn đề này. Khi chúng ta làm đồng bộ, nghiêm và minh bạch những vấn đề này, tự khắc người dân tự hiểu, điều đó thì tất yếu trở thành miễn dịch trong xã hội, trong đời sống của người dân trong việc tiếp nhận những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước", TS Bùi Đức Thụ nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn