MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Khương Trung

Phải đảm bảo cho người dân được sống trong môi trường trong lành

Hà Vương Chung LDO | 18/11/2020 07:02
Với 443/466 đại biểu tán thành (chiếm 91,91%), chiều 17.11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Theo đó, Luật gồm 16 chương, 171 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022. So với Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có nhiều điểm mới, đột phá.

Cần có nhận thức mới, tư duy mới

Trao đổi với báo chí sau khi Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong suốt thời gian qua, vấn đề môi trường của đất nước đang đứng trước thách thức do biến đổi khí hậu, do mô hình phát triển kinh tế chưa bền vững, chất lượng môi trường và đa dạng sinh học suy thoái, điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.

“Môi trường trở thành vấn đề đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức mới, một tư duy mới, Bộ luật lần này thể hiện rất nhiều mục tiêu quan trọng, góp phần đưa đất nước chúng ta bước vào giai đoạn phát triển mới, chú trọng vào kinh tế trí thức, kinh tế số, phát triển thuận thiên tức là dựa vào các quy luật tự nhiên phát triển, kinh tế dựa trên các nền tảng sinh thái” - Bộ trưởng nói. Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) mới được thông qua có nhiều điểm mới, đối với dự thảo luật 2020 gần như thay thế khá toàn diện và cơ bản so với Bộ luật 2014, Bộ luật lần này hướng đến mong muốn tạo nền tảng cần thiết cho đạo luật về môi trường toàn diện, thống nhất, hội nhập.

“Trong luật lần này xác định những quan điểm hết sức quan trọng là chúng ta cần thay đổi giai đoạn mà chúng ta đang hết sức khó khăn, giải quyết các vấn đề về ô nhiễm, sự cố môi trường, tiến tới chủ động hơn trong việc phòng ngừa và quản lý môi trường, song song với nhiệm vụ cải thiện và khắc phục ô nhiễm môi trường. Chúng ta phòng ngừa và không cho các dự án ô nhiễm làm trầm trọng thêm vấn đề môi trường, điều đó đặt lên việc phải đảo ngược được xu thế hiện nay, xu thế môi trường đang ô nhiễm ở tất cả thành phần như nước, không khí, chất thải rắn” - Bộ trưởng Hà nói.

Tất cả vì chất lượng môi trường

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, luật này cũng khẳng định, tất cả vì chất lượng môi trường, thực hiện Hiến pháp, Hiến định phải đảm bảo cho người dân được sống trong môi trường trong lành và người dân được tiếp cận thông tin.

Bên cạnh đó, người dân sẽ có trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ tham gia như một chủ thể vào trong quá trình này.

“Cùng với đó, luật đã cắt giảm rất nhiều thủ tục hành chính, sẽ quản lý những gì cẩn quản, quản lý những gì mà nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, tạo điều kiện hết sức thông thoáng để những lĩnh vực, những ngành ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên… Chúng ta đã lần đầu thiết kế ở trong luật này một thế giới, một đất nước, một xã hội và các lĩnh vực phát triển theo kinh tế tuần hoàn” - Bộ trưởng Hà nói.

Cũng theo người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường, tất cả vấn đề về chất lượng, quy chuẩn môi trường sẽ hướng đến đồng bộ với các nước tiên tiến, đặt quan điểm con người Việt Nam và con người ở các nước trên thế giới đều có quyền hưởng môi trường trong lành. “Đây là điểm quan trọng” - ông Hà nói.

* So với Luật BVMT 2014, Dự thảo Luật được bố cục lại, đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách BVMT khác. Bên cạnh đó, đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của Dự án, từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.

* Điều 79 của Luật quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán phù hợp với quy định của pháp luật về giá; dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại theo đúng quy định thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác. Quy định tại Điều 79 phải được thực hiện chậm nhất trước ngày 31.12.2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn