MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh minh họa của ĐAN

Phải xử lý cả trường hợp lấy lý do đến gặp lãnh đạo “làm việc” để biếu quà

HẢI XUÂN LDO | 26/12/2017 07:30
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (khóa XIII) Lê Như Tiến đã nói như vậy khi trao đổi với PV Báo Lao Động về Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức tết năm 2018, trong đó nghiêm cấm việc biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp tết, lễ hội…

Phải xử lý nghiêm cả những “sáng kiến” trong việc biếu quà lãnh đạo

Trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này, ông Đỗ Văn Ân - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên Trung ương có chỉ thị về việc nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên và năm nay Trung ương tiếp tục có chỉ thị để nghiêm cấm tiếp việc này. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng, Trung ương đã có chỉ thị rồi vấn đề mấu chốt đó là việc triển khai thực hiện Chỉ thị này như thế nào để thực sự hiệu quả. Ví dụ, khi phát hiện được trường hợp cụ thể nào thì phải lập biên bản và xử lý nghiêm để răn đe thì việc đi biếu, tặng quà lãnh đạo dịp Tết sẽ không dám tái diễn nữa.

“Thời kỳ ngày xưa anh em đồng nghiệp đi thăm hỏi nhau vào dịp Tết được xem là nét văn hóa và cũng là thể hiện tình cảm đạo đức anh em đồng nghiệp chân thành. Còn bây giờ mối quan hệ cũng rất phức tạp. Nhiều người cơ hội nhân dịp Tết để đi hối lộ trá hình, biến tướng, khiến cho việc thăm hỏi trở thành thương mại hóa” - ông Ân nói đồng thời nhấn mạnh: Tôi cho rằng bây giờ có chỉ thị này sẽ hạn chế tình trạng biếu xén, quà cáp trong dịp Tết. Tuy nhiên, sẽ hạn chế được những trường hợp công khai, ngang nhiên đi xe công từ địa phương ra Trung ương để quà cáp, còn sẽ có những “sáng kiến” khác để biến tướng trong việc biếu, tặng quà lãnh đạo trong dịp Tết nếu việc thực hiện chỉ thị này không nghiêm.

Ông Đỗ Văn Ân. Ảnh: XUÂN HẢI

Xử lý cả trường hợp lấy lý do đến gặp lãnh đạo “làm việc” để tặng quà

Nhấn mạnh thêm sự quan trọng của chỉ thị về nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến nói: Trước hết tôi rất ủng hộ chủ trương này.

Tuy nhiên, việc quan trọng hơn cả là thực hiện chỉ thị này như thế nào cho hiệu quả. Việc cần thiết là phải làm những gì và làm như thế nào để người ta không dám mượn cớ Tết để đi biếu, tặng quà theo kiểu chạy chọt, xin cho nữa. Bởi trước đây chúng ta cũng đã cấm về việc này nhưng thực tế thì tình trạng biếu xén nhau vẫn diễn ra. Thậm chí bây giờ người ta không đến xếp hàng dài xe cộ ở nhà lãnh đạo như trước đây nữa mà lại “đàng hoàng” đến cơ quan với danh nghĩa là “làm việc” trong dịp Tết để gặp “sếp”.

Ông Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận, việc tặng quà Tết lãnh đạo đã có giảm đi, tuy nhiên vẫn còn một số tình trạng như đoàn xe nọ, xe kia nối đuôi nhau lên các cơ quan Trung ương, lên các bộ, ngành để chúc Tết lãnh đạo. Mà đa số việc tặng quà Tết lãnh đạo bao giờ cũng kèm theo những vật chất rất có giá trị.

Theo ông Tiến, Trung ương đã có chỉ thị rồi thì Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cũng cần có những giải pháp cụ thể, có tính khả thi để triển khai hiệu quả chỉ thị này. Ví dụ đề nghị người dân ở nơi cư trú, nơi công tác của cán bộ lãnh đạo đó giúp Trung ương phát hiện ra tình trạng biếu xén, quà cáp, tình trạng ôtô rồng rắn đến nhà các đồng chí lãnh đạo và đến cơ quan. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền về lĩnh vực này phải xác minh xem có tình trạng này không, xử lý thế nào đều phải công khai để người dân biết.

Đối với việc lợi dụng đến cơ quan “làm việc” để biếu xén, tặng quà lãnh đạo thì đề nghị các đồng chí bảo vệ hoặc văn phòng phải ghi chép đầy đủ những người đến cơ quan gặp lãnh đạo để làm việc gì có chính đáng không? Nếu sau khi cơ quan, bộ phận được giao giám sát mà kiểm tra việc thăm gặp đến “làm việc” của tập thể, cá nhân đến gặp lãnh đạo với lý do không chính đáng sẽ bị xử lý nghiêm. Và việc xử lý phải nghiêm từ trên xuống và không có vùng cấm thì chỉ thị mới hiệu quả.

“Phải phát huy được tai mắt của nhân dân ở nơi cư trú và nơi công tác của các đồng chí lãnh đạo, cũng như các tổ chức chính trị - xã hội. Theo tôi Trung ương đã có chỉ thị thì Chính phủ cũng cần có chỉ thị cụ thể để hành động triển khai. Nếu phát hiện ra trường hợp vi phạm thì phải có chế tài cụ thể để xử lý nghiêm, chứ không nên nói chung chung theo kiểu vận động được. Nếu xử lý nghiêm sẽ hạn chế được tình trạng biếu xén, tặng quà lãnh đạo trong dịp Tết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn