MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phân bổ 346.000 tỉ phục hồi KT-XH: Ràng buộc trách nhiệm, đầu ra của đề án

Vương Trần LDO | 07/01/2022 12:24

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, vấn đề cốt lõi mà đề án hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cần trả lời là với hơn 346.000 tỉ đồng thì chúng ta sẽ thu được kết quả gì? Với mục tiêu như vậy, đề án phải quy định rõ được kết quả nguồn lực đầu vào, hiệu quả đầu ra. 

Hỗ trợ doanh nghiệp: “Cho cần câu, đừng cho con cá”

Thảo luận trước Quốc hội về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sáng nay (7.1), đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh tầm quan trọng việc ổn định kinh tế vĩ mô như: Lạm phát, vay nợ công, thâm hụt ngân sách…

Đại biểu Huy nhấn mạnh, nếu lạm phát tăng cao, các doanh nghiệp phải chạy theo vòng xoáy vay nợ, lợi ích của chương trình sẽ bị suy giảm.

Do đó, ông kiến nghị Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng các đối tượng được hỗ trợ để đảm bảo khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và khả năng trả nợ trong tương lai. Trong đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp là một trọng tâm. Nhưng hỗ trợ thế nào là vấn đề cần được tính toán cẩn trọng. 

Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận từ điểm cầu Thái Bình. Ảnh QH

Ông cho rằng, Chính phủ cần lưu ý một số vấn đề như xem xét hỗ trợ doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu. Tính toán khả năng, sức hấp thụ của ngành đó đến đâu, phương pháp hỗ trợ thế nào để cân đối giữa ngắn hạn trước mắt và đầu tư phát triển lâu dài. 

“Cần cung cấp cho doanh nghiệp hướng đi, cách đi, cung cấp “cần câu” chứ không phải “con cá””, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy cũng cảnh báo việc cần có cơ chế tránh trường hợp có doanh nghiệp móc nối với ngân hàng, hoặc ngân hàng ưu tiên doanh nghiệp sân sau. Tuyệt đối tránh tình trạng doanh nghiệp vay vốn xong lại gửi ngân hàng để hưởng % chênh lệch (do lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi).

Chấp nhận rủi ro nhưng cần bước đi vững chắc

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, đề án cần cụ thể hoá, ràng buộc trách nhiệm nhiều hơn, cần có hiệu quả, cam kết sản phẩm đầu ra của đề án.

Theo đại biểu Mai, vấn đề cốt lõi mà đề án cần trả lời là với hơn 346.000 tỉ thì chúng ta sẽ thu được kết quả gì? Với mục tiêu như vậy, đề án phải quy định rõ được kết quả nguồn lực đầu vào, hiệu quả đầu ra. 

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu thảo luận từ điểm cầu hội trường Diên Hồng. Ảnh QH

Nữ đại biểu cho rằng, việc này chưa được cụ thể hoá trong đề án. Dù dự thảo Nghị quyết đã có 3 mục tiêu khái quát: tăng trưởng GDP 6,5-7%; phục hồi sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Nhưng nếu không có cam kết kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác đánh giá kết quả thực tế sau này. Vì vậy, cần đưa ra cam kết cụ thể, có thể là sản phẩm hữu hình, vô hình nhưng đều có thể tính toán được. 

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, lần này sẽ phân bổ 346.000 tỉ cho các mục tiêu khác nhau, có những mục tiêu phân bổ trực tiếp, gián tiếp như thuế, hỗ trợ lãi suất… Nhưng dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng cần nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách.

Về danh mục dự án, bà Mai cho rằng chỉ nên tập trung vào những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành nghề có ý nghĩa tăng trưởng quan trọng. Do đó, trên cơ sở này cần có rà soát.

“Chúng ta không chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách”, bà Mai nhấn mạnh. 

Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cần những bước đi vững chắc, cũng không chịu tác động của bất kỳ xu thế quốc tế nào vì mỗi quốc gia có con đường đi riêng, khác nhau; cũng như không chịu áp lực bởi mục tiêu tăng trưởng, thành tích. Vấn đề cốt lõi cần đạt được là yếu tố thực chất và hiệu quả.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gồm hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỉ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỉ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác gần 10.000 tỉ đồng và một số khoản khác. Tổng quy mô gói hỗ trợ hơn  346.000 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn