MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2023. Ảnh: Phạm Thắng

Phân hóa xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế, vừa nghiêm trị vừa khoan hồng

Vương Trần - Phạm Đông LDO | 21/11/2023 09:23

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách hình sự xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng.

Xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, giảm nhẹ cho người vi phạm không vụ lợi

Đây là một trong những kiến nghị Quốc hội của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) Lê Minh Trí phát biểu trước Quốc hội sáng 21.11 khi trình bày Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSNDTC tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, ông Lê Minh Trí cho biết, từ thực tiễn giải quyết một số vụ án hình sự thời gian qua cho thấy một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc phạm tội là do việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật còn sơ hở, chưa chặt chẽ.

Do đó, kiến nghị Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu có cơ chế kiểm soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật chặt chẽ hơn và xem xét trách nhiệm trong trường hợp ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng với đó, ông Lê Minh Trí cho biết, qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót, vi phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước như môi trường, đất đai, an toàn thực phẩm,... nhưng chưa được phát hiện sớm để xử lý, ngăn ngừa hoặc giảm bớt thiệt hại góp phần phòng ngừa tội phạm.

Tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 mới chỉ xác định nội dung khởi kiện dân sự nên cần có cơ chế thí điểm giao cho một cơ quan thay mặt Nhà nước thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị hoặc khởi kiện vụ án hành chính để đưa ra Tòa án phán quyết đối với trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại tới lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước. Làm được cơ chế này sẽ góp phần giảm bớt việc phải khởi tố, xử lý về hình sự trong một số trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách hình sự xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung; đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.

Ông Lê Minh Trí cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước theo hướng căn cứ vào nhiệm vụ và khối lượng công việc thực tế để giao dự toán chi thường xuyên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành KSND là thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và trực tiếp điều tra tội phạm như Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Đề nghị giao bổ sung chức danh Kiểm sát viên các ngạch trong thời gian tới, theo đó, đề nghị bổ sung chức danh Kiểm sát viên cao cấp cho VKSND tối cao và 3 VKSND cấp cao; 100% Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện là Kiểm sát viên trung cấp để chỉ đạo và hướng dẫn Kiểm sát viên cấp dưới (hiện nay mới thực hiện được 40%); mỗi VKSND cấp huyện được tăng thêm 1 Kiểm sát viên sơ cấp để thực hiện kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của Công an cấp xã.

Chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm

Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của ngành Kiểm sát, ông Lê Minh Trí cho biết sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong thực hành quyền công tố. Đặc biệt là nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; giải quyết đúng yêu cầu và tiến độ các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong kiểm sát hoạt động tư pháp; chủ động kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm và các cơ quan hữu quan...

Thực hiện nghiêm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, coi trọng công tác cán bộ và tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp kiểm sát.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành; triển khai thực hiện Kế hoạch đổi mới hệ thống công nghệ thông tin theo yêu cầu chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn