MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuần tra đêm kết hợp kiểm tra công tác PCCC ở phường Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Phạm Đông

Phân loại rõ công trình cải tạo phải có giải pháp, thiết kế PCCC

Tuệ Linh LDO | 06/04/2024 12:33

Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát, phân loại rõ công trình cải tạo đến mức nào mới phải có giải pháp, thiết kế phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh gây vướng mắc trên thực tế.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3.2024.

Tại nghị quyết, Chính phủ cho ý kiến đối với 3 dự án luật, 1 đề nghị xây dựng luật gồm dự án Luật PCCC và Cứu nạn, cứu hộ; dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; Đề nghị xây dựng Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Để hoàn thiện dự án Luật PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, Chính phủ đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Chính phủ, bảo đảm yêu cầu tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế giám sát, kiểm tra; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan, chủ đầu tư; không gây xung đột với luật khác nhất là các luật mới ban hành; có cơ chế chuyển tiếp đối với các dự án, công trình đang trong quá trình thực hiện; đề cao công tác phòng ngừa, bảo đảm an toàn PCCC; những nội dung còn chưa ổn định cần giao Chính phủ quy định nhằm bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Có chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ sản xuất trang, thiết bị PCCC, cứu nạn, cứu hộ tại Việt Nam.

Về áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài: Đề nghị rà soát, quy định bảo đảm phù hợp với điều kiện của Việt Nam; khuyến khích tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài có quy định an toàn PCCC cao hơn Việt Nam. Về yêu cầu có giải pháp, thiết kế PCCC đối với công trình cải tạo: Tiếp tục rà soát, phân loại rõ công trình cải tạo đến mức nào mới phải có giải pháp, thiết kế PCCC nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh gây vướng mắc trên thực tế.

Cũng tại nghị quyết, Chính phủ cơ bản thống nhất về nội dung dự án Luật Địa chất và Khoáng sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung dự thảo luật, bảo đảm các yêu cầu khắc phục hạn chế, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn, tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm việc khai thác tài nguyên khoáng sản có hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, tránh thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ môi trường; giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật hiện hành theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật.

Tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương gắn với nguồn lực thực hiện; đồng thời có cơ chế kiểm soát từ sớm, từ xa của các cơ quan Trung ương đối với các dự án thuộc thẩm quyền; hoàn thiện quy trình cấp phép, đăng ký, bảo đảm minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Rà soát các quy định cụ thể tại dự thảo Luật có nội dung liên quan đến các quy định pháp luật khác để tránh xung đột, mâu thuẫn, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến quy hoạch, đầu tư, đấu giá, đấu thầu, sử dụng ngân sách nhà nước, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, lâm nghiệp, di sản văn hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn