MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 (ngày 30.12.1966). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Phát huy tinh thần thi đua yêu nước, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng

TS Bùi Văn Mạnh - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng LDO | 07/06/2023 10:55

Sau 75 năm, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên vẹn giá trị và tính thời sự. Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong ba đột phá chiến lược đó là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sáng lập và dẫn dắt phong trào thi đua yêu nước

Trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và Người đã khởi xướng tổ chức, trực tiếp chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam với những nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, đem lại hiệu quả to lớn, thiết thực.

Theo đó, ngày 27.3.1948, từ đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó xác định: Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công. Tiếp sau đó, để thu được thắng lợi to lớn hơn sau chiến thắng Thu - Đông năm 1947, ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chỉ rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau”[1].

Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể lúc bấy giờ, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” xác định mục đích là: “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”[2], nhằm thực hiện “Hạnh phúc cho dân”.

Về cách làm, trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu phương châm: “dựa vào: Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”[3].

Để dân dễ hiểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi. Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”[4].

Phát huy cao độ tinh thần yêu nước

Người không chỉ khởi xướng mà còn trực tiếp dẫn dắt, chỉ đạo nhiều phong trào thi đua của nước ta, như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, thực hiện khẩu hiệu “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”, “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.

Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954-1975), các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực, các ngành, các giới như: Phong trào thi đua “Ba nhất” trong Quân đội, phong trào “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, phong trào “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp...

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tiếp nối tinh thần: “Thi đua là yêu nước” của Người, Đảng, Nhà nước và các lĩnh vực cụ thể đã thực hiện nhiều phong trào thi đua, đã thu hút được rất nhiều giai tầng tham gia, là môi trường để mọi người thi đua, sáng tạo, cống hiến, như các phong trào: Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025; “cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở”.

Đặc biệt giai đoạn cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19, để tạo ra sức mạnh tinh thần chiến thắng dịch bệnh, học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã phát động Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”.

Hiện nay, các phong trào thi đua tiêu biểu như: “Vì an ninh Tổ quốc” của Bộ Công an; Phong trào “Thi đua Quyết thắng” của Bộ Quốc phòng; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của  Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả hoạt động công đoàn” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam…

Tài liệu tham khảo

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr.556.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr.556.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr.556.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr.557.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn