MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phạt tiền người có hành vi bạo lực gia đình, trớ trêu nạn nhân phải nộp

Nhóm PV LDO | 27/05/2022 15:49

Thẩm tra Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại diện Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho biết, biện pháp phạt tiền người có hành vi bạo lực gia đình, trên thực tế, trong nhiều trường hợp, nạn nhân bạo lực gia đình phải lấy tiền của gia đình để nộp tiền phạt. Thực tiễn này đòi hỏi có những biện pháp phù hợp, có tính răn đe, giáo dục.

Thiếu những quy định xử lý trường hợp hành vi bạo lực gia đình

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, hạnh phúc.

Song, qua nhiều năm thực hiện, luật bộc lộ một số điểm hạn chế, bất cập. Luật hiện hành không có điều khoản riêng quy định về giải thích từ ngữ. Do đó, còn thiếu một số khái niệm quan trọng, một số khái niệm chưa được giải thích rõ.

Các quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình vẫn còn bất cập. Luật hiện hành xác định rõ nguyên tắc lấy phòng để chống, nhưng biện pháp phòng ngừa trong luật chưa chủ động, không bảo đảm tính liên tục. Việc phòng, chống bạo lực gia đình cần thực hiện trước khi xảy ra, khi đang xảy ra và khi kết thúc.

Nhấn mạnh hòa giải là biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình và phòng ngừa tái diễn bạo lực gia đình, không thay thế các biện pháp xử lý vụ việc bạo lực gia đình, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, công tác hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình cũng chưa phát huy được hiệu quả. Khi nào thì phải xử lý một tình huống bằng hòa giải và khi nào thì cần các biện pháp khác chưa được quy định rõ trong luật.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh: Quochoi

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, luật hiện hành còn thiếu những quy định để xử lý trường hợp hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự;

Và chưa quy định rõ về thẩm quyền và trách nhiệm của công an cấp xã trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, xác minh và xử lý hành vi bạo lực gia đình.

Luật hiện hành cũng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm, cũng như biện pháp xử lý đối với người đứng đầu trong phòng, chống bạo lực gia đình. Thực tế cho thấy, lực lượng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình cần phải thiết lập ở cộng đồng dân cư để nâng cao tính chủ động, phòng ngừa. Luật chưa có giải pháp cụ thể về mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành, nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013;

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình, nhiều trường hợp tác dụng ngược

Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung để các hành vi bạo lực gia đình phản ánh được thực tiễn cuộc sống và tránh bỏ sót hành vi, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp.

Việc quy định các hành vi bạo lực gia đình cần có mối liên hệ với các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. 

Theo bà, quá trình xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và thực tiễn giám sát của Ủy ban Xã hội cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao, trong một số trường hợp có tác động ngược.

Ví dụ, biện pháp phạt tiền người có hành vi bạo lực gia đình, trên thực tế, trong nhiều trường hợp, nạn nhân bạo lực gia đình phải lấy tiền của gia đình để nộp tiền phạt. Thực tiễn này đòi hỏi có những biện pháp phù hợp, có tính răn đe, giáo dục. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật biện pháp "thực hiện hoạt động vì lợi ích cộng đồng".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn