MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phát triển Chính phủ điện tử là dư địa để phát triển kinh tế

Vương Trần LDO | 08/01/2021 12:05

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, phát triển Chính phủ điện tử là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới và là dư địa để phát triển kinh tế, nền tảng cơ bản để thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Sáng nay (8.1), tại Hà Nội, Văn Phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo trực tuyến về chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì hội thảo. Hội thảo được truyền trực tuyến với điểm cầu tại Nhật Bản và các tỉnh, thành phố Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định phát triển Chính phủ điện tử là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới và là dư địa để phát triển kinh tế, nền tảng cơ bản để thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì Hội thảo tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Giang Phan

Theo đó, với quan điểm xuyên suốt là xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử.

Cùng với đó là đẩy mạnh xử lý, hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tăng cường kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp, trong đó tập trung triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc tại các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ, hiệu quả của bạn bè quốc tế nói chung, của Chính phủ Nhật Bản nói riêng, thông qua sự hợp tác, hỗ trợ và những hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm như ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục có những bước đi vững chắc trong triển khai Chính phủ điện tử, góp phần vào sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc và quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Nhật Bản”.

Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ về Chính sách mới của Thủ tướng Nhật Bản để phát triển Chính phủ số và Kinh nghiệm số hóa dịch vụ và thủ tục hành chính tại Nhật Bản; Xây dựng chính sách sử dụng trí tuệ nhân tạo… Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện cải cách quy chế một cách toàn diện, xóa bỏ quản lý hành chính theo chiều dọc, thực hiện cải cách đột phá.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết, triển khai Chính phủ số là nội dung ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản. Đại sứ cho rằng, Hệ thống Chính phủ điện tử mà Văn phòng Chính phủ Việt Nam đang triển khai là một trong những nỗ lực của Việt Nam trong cải cách hành chính nhằm hỗ trợ cho việc ra quyết định chính sách một cách thuận tiện và nhanh chóng, kịp thời.

Về phía Chính phủ Nhật Bản cũng đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn