MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm kinh tế của Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Zing

Phát triển đặc khu: Kỳ vọng “đầu tàu” kinh tế, thu hút lao động chất lượng cao

LÊ PHƯƠNG LDO | 26/05/2018 06:56
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Dự Luật Đặc khu) nhận được sự quan tâm đặc biệt và thảo luận sôi nổi của các đại biểu (ĐB) tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Các địa phương khi trở thành đặc khu cũng thể hiện rõ quyết tâm, trách nhiệm qua công tác chuẩn bị điều kiện hạ tầng, nhân lực… Theo đó, nhiều kỳ vọng lớn lao gửi gắm vào những “đầu tàu” tương lai.

Ưu tiên những nhà đầu tư chất lượng

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, một trong những yếu tố tiên quyết để tạo nên sự thành công của các đặc khu là việc lựa chọn các nhà đầu tư. Vì rất nhiều kỳ vọng lớn đặt vào đặc khu với những điểm nhấn kinh tế xã hội nên đòi hỏi sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cần sự đầu tư trí tuệ để chọn lựa các nhà đầu tư thông minh và có tiềm lực. “Không được vơ bèo vạt tép và cảnh giác với các nhà đầu tư vào đây chỉ để “kiếm chác”. Nếu thành công, đặc khu sẽ là điểm nhấn vĩ đại của đất nước này” - ông Nhưỡng chia sẻ.

Theo ĐB Đỗ Thị Lan - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh - từ năm 2012 sau khi có thông báo kết luận của Bộ Chính trị cho phép Quảng Ninh được nghiên cứu xây dựng đề án về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, tỉnh đã chủ động tìm hiểu tiềm năng, lợi thế của Vân Đồn; đồng thời nghiên cứu học tập kinh nghiệm từ các đặc khu của nhiều nước trên thế giới để xây dựng đề án. Ngay trong quá trình xây dựng đề án, Quảng Ninh đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để đề án có tính khả thi cao.

Song song đó, Quảng Ninh rất chủ động trong việc thu hút nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng với mục tiêu không chờ nguồn lực từ ngân sách mà tận dụng nguồn lực từ các nhà đầu tư. Đến nay, tỉnh này đã xây dựng được đường cao tốc kết nối Vân Đồn - Hạ Long, Vân Đồn - Hải Phòng và sắp tới là Vân Đồn - Móng Cái... Ngoài ra, hệ thống hạ tầng khác như cảng biển, hạ tầng phụ trợ để chuẩn bị cho các nhà đầu tư vào đầu tư tại Vân Đồn cũng đồng bộ được triển khai.

Đến nay đã có gần 100 nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó, có các tập đoàn kinh tế trong nước, nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư nước ngoài ở các quốc gia phát triển tìm hiểu để có thể đầu tư vào Vân Đồn khi luật chính thức được ban hành.

Tại Khánh Hòa, theo ĐB Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh - địa phương này đặc biệt quan tâm rà soát cải cách thủ tục hành chính vì xác định nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm về vấn đề này. “Tất cả các nội dung liên quan tới việc đầu tư của doanh nghiệp và của cá nhân tham gia đã được công khai, minh bạch hóa đi đôi với nhanh, gọn” - ông Thân nói.

Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Bé, Phú Quốc đặt mục tiêu xây dựng đặc khu là nơi giao lưu trao đổi tài chính với quy mô lớn. Ảnh: PV

Phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều việc làm cho người lao động

Trao đổi với Lao Động về mục tiêu phát triển kinh tế song hành cùng tạo việc làm và thu hút nhân lực chất lượng cao tại đặc khu, ĐB Đỗ Thị Lan cho rằng, trong quá trình phát triển kinh tế Vân Đồn sẽ giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nhất là giải quyết việc làm cho người dân. “Trong các ngành nghề ưu tiên phát triển đặc khu Vân Đồn đã tính đến những ngành nghề ưu tiên như y tế, giáo dục đào tạo, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, logistics,… Chúng tôi xác định sẽ thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, đây cũng là điều kiện để giải quyết việc làm, thu hút nguồn nhân lực chất lượng” - bà Lan chia sẻ.

Cũng đặc biệt quan tâm đến giải quyết việc làm cho người lao động, theo ĐB Nguyễn Thị Kim Bé - Phó Trưởng đoàn ĐBQH Kiên Giang - đặc khu Phú Quốc sẽ ưu tiên quy hoạch là vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao với gần 3.000ha. Do đất đai đa phần là sở hữu của người dân nên nếu ngành nghề này được ưu tiên phát triển, người dân sẽ mạnh dạn đầu tư và trực tiếp hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi này. “Chính sách này không phải chỉ nhằm thu hút nhà đầu tư mà còn tạo điều kiện để dân đảo trực tiếp tiếp cận chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - ĐB Bé nói.

Ngoài ra, về lâu dài Phú Quốc đặt mục tiêu xây dựng đặc khu là nơi giao lưu trao đổi tài chính với quy mô lớn. Theo đó, nếu dự luật được thông qua, địa phương sẽ xây dựng trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng tầm quốc tế đáp ứng nhu cầu cho nhà đầu tư và là cơ hội để phát triển kinh tế đất nước.

Còn tại Bắc Vân Phong, theo ĐB Lê Xuân Thân, đặc khu này căn cứ trên các điều kiện sẵn có và đề nghị đặc biệt ưu đãi ngành nghề về công nghệ cao.

“Cho tới giờ Khánh Hòa cùng với các bộ, ngành Trung ương đã chuẩn bị đầy đủ và tất cả các nội dung liên quan đã trình và đang chờ ý kiến. Chúng tôi cũng có văn bản đề nghị nhiều lần nên cho Bắc Vân Phong có ưu đãi ngành nghề về công nghệ cao vì đây cũng là một trong những nội dung rất cần thiết” - ông Thân cho hay.

Trong 100.000 tỉ đồng thu hút đầu tư, ngân sách Trung ương chỉ chiếm 3,6%

Đây là thông tin mà ĐB Đỗ Thị Lan - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh - chia sẻ với Lao Động. Theo bà Lan, khi được giao nhiệm vụ xây dựng đề án về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Quảng Ninh đã chủ động trong việc thu hút nguồn lực, cho đến nay số tiền đầu tư hệ thống hạ tầng và các điều kiện chuẩn bị của Quảng Ninh lên đến gần 100.000 tỉ đồng.
Đây không phải nguồn vốn hoàn toàn của Nhà nước mà có tới hơn 70% nguồn vốn của nhà đầu tư, 20% nguồn vốn từ ngân sách của tỉnh và nguồn vốn của Trung ương chiếm 3,6%. “Từ cách làm như vậy, chúng tôi tin rằng sẽ có sự gắn kết của các nhà đầu tư chiến lược và có thể sẽ tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư khác ở các nước đầu tư vào Vân Đồn” - bà Lan nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn