MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh đến phát triển hạ tầng giao thông kết nối 4 phương thức vận tải, trong đó bao gồm đường sắt đô thị. Ảnh: Phạm Đông

Phát triển đường sắt đô thị nối trung tâm Hà Nội với trung tâm khác trong vùng

Đức Mạnh LDO | 23/02/2024 16:41

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị đủ khả năng thay thế phương tiện giao thông cá nhân và kết nối trung tâm Thủ đô với các trung tâm đô thị trong vùng Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn cả nước về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế. Đây là động lực phát triển quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước nên cần sự quy hoạch công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch.

Tại phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào hôm nay (23.2), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Muốn phát triển vững mạnh, Hà Nội cần xác định rõ được những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội. Đặc biệt trong bản quy hoạch lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm. Dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (bên trái) và Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại phiên họp. Ảnh: MPI

Theo đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất 6 điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển. Tiêu biểu trong đó là tổ chức không gian phát triển Hà Nội với 5 trục động lực: trục sông Hồng là trục động lực chính. Điểm nhấn của vùng đô thị trung tâm kết nối đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng với định hướng hình thành không gian văn hóa, lễ hội, văn hóa, thể thao, phát triển du lịch, dịch vụ kinh tế ban đêm và các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, chăm sóc người cao tuổi dọc hai bên sông.

Khai thác có hiệu quả 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành đầu mối hội tụ, trung tâm kết nối, động lực lan toả nội vùng và liên vùng. Đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Hướng tới các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển. Khẳng định Hà Nội là động lực phát triển vùng, là cực tăng trưởng của quốc gia, cửa ngõ của khu vực ASEAN kết nối với Trung Quốc.

Tổ chức hài hòa, khai thác hợp lý 5 không gian phát triển và phát triển mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại, sáng tạo với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển Thủ đô bao gồm: 1 đô thị trung tâm và 4 thành phố thuộc Thủ đô. Phát triển hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ thuộc khu vực nông thôn. Phát triển các khu chức năng và kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng thông minh, hiện đại.

Toàn cảnh phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư hôm nay. Ảnh: MPI

Bên cạnh đó, Quy hoạch còn nhấn mạnh đến phát triển hạ tầng giao thông kết nối 4 phương thức vận tải bao gồm hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia kết nối liên vùng và quốc tế, đường thủy nội địa với vận tải biển; đường vành đai 4 và 5 kết nối vùng. Tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị đủ khả năng thay thế phương tiện giao thông cá nhân và kết nối trung tâm Thủ đô với các trung tâm đô thị trong vùng Thủ đô. Mở rộng, nâng công suất sân bay Nội Bài ở mức giới hạn hiệu quả. Xây dựng sân bay thứ 2 vùng Thủ đô để mở rộng không gian phát triển khu vực phía Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn