MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Nguồn: Q.H

Phát triển thị trường kinh doanh bảo hiểm an toàn, minh bạch

VƯƠNG TRẦN LDO | 30/10/2021 07:03
Ngày 29.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Qua thảo luận, nhiều đại biểu đều nhất trí với việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, khắc phục những bất cập của Luật sau hơn 20 năm thi hành, phát triển thị trường kinh doanh bảo hiểm an toàn, minh bạch.

Tránh lợi dụng kinh doanh bảo hiểm hình thành đại lý ảo huy động vốn đa cấp

Thảo luận từ điểm cầu Đà Nẵng, Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh, việc cần đảm bảo cân bằng quyền lợi cho bên mua và bán bảo hiểm. Theo đại biểu Cường, hiện hợp đồng nặng về bảo vệ lợi ích và rủi ro cho bên doanh nghiệp bảo hiểm trong khi người thụ hưởng, người mua bảo hiểm thì chưa được chú trọng đúng mức. 

Trên thực tế một số loại hình bảo hiểm có tình trạng người mua được cung cấp hợp đồng mà các điều khoản hầu hết có lợi cho bên bán. Do đó cần quy định trong dự thảo luật đảm bảo cân bằng lợi ích giữa bên bán và bên mua, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, công khai, quy định chặt chẽ.

“Ví dụ như Điều 16 trong dự án Luật có quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cho người bán song không nêu điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cho người mua”, đại biểu Cường cho biết.

Từ điểm cầu Thái Bình, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) lưu ý tình trạng lợi dụng các loại hình kinh doanh bảo hiểm để hình thành các loại huy động vốn, nhất là huy động vốn đa cấp thông qua nhiều kênh khác nhau. 

“Tức là người mua trở thành đại lý ảo, đại lý không chính thức rồi quay lại tìm kiếm, lôi kéo những người mua cấp thấp hơn, từ đấy hình thành đường dây đa cấp, dẫn đến rủi ro, đổ vỡ” - đại biểu nêu ý kiến.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, dù dự thảo luật đã có những quy định về tiêu chuẩn đại lý, quy định bảo hiểm phải có hợp đồng quy định rõ trách nhiệm bên bán, bên mua thế nhưng hiện nay có loại hợp đồng chung, hợp đồng giao kết điện tử trên không gian mạng. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng kinh doanh đa cấp có thể lợi dụng. 

“Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định chặt chẽ hơn hoặc nêu rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước để tăng cường quản lý và chế tài đối với các vấn đề nảy sinh nêu trên” - vị đại biểu đoàn Thái Bình đề nghị. 

Làm rõ trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm

Cũng liên quan đến quyền lợi của người mua bảo hiểm, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh về vấn đề liên quan đến trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. 

Ông Tuấn cho rằng, trong thực tế vẫn có những trường hợp người mua bảo hiểm không biết, không hiểu do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp thông tin, tư vấn cho người mua bảo hiểm chưa đầy đủ, chưa cặn kẽ. Do đó, khi xảy ra trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng người mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng, cụ thể như trong trường hợp đóng bảo hiểm nhân thọ dưới hai năm. Hoặc được đòi lại khoản phí đã đóng nhưng không được như mong muốn sẽ cảm thấy bức xúc, thậm chí cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm lừa, từ đó dẫn tới khiếu nại, tố cáo. 

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Tuấn cho rằng, ngoài 8 nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng bảo hiểm, cần bổ sung thêm nội dung “trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm”, để xác định rõ đây là điều khoản bắt buộc cần phải có trong hoạt động bảo hiểm. Qua đó, nhằm tăng cường trách nhiệm thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.

Tránh việc doanh nghiệp cố tình không cung cấp thông tin hoặc thông tin mập mờ làm cho người mua hợp đồng khi ký hợp đồng thì háo hức, tin tưởng nhưng khi không có khả năng theo đuổi, định chấm dứt hợp đồng thì mới biết mình không có quyền đòi lại khoản phí đã đóng, hoặc phí được hoàn trả không được như mong muốn, thất vọng, bức xúc mất niềm tin với doanh nghiệp. 

Cùng nói về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tại điểm b, c, khoản 4, điều 10 quy định về hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. 

“Trên thực tế, hành vi gian lận đôi khi không xảy ra như dự thảo đã nêu mà còn có thể xảy ra việc nhân viên bán bảo hiểm lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để cố ý viết, điền, khai hộ, khai sai lệch thông tin của khách hàng trên văn bản giao kết với doanh nghiệp bảo hiểm. Việc này, dẫn đến từ chối chi trả bồi thường theo cam kết, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi có vấn đề phát sinh. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu vấn đề này”, đại biểu  Huỳnh Thị Phúc đề nghị. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn