MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội trả lời tại họp báo. Ảnh Phạm Đông

Phó Chủ tịch Hà Nội nói về việc lấy ngân sách trợ giá mua nước sông Đuống

Vương Trần - Phạm Đông LDO | 02/12/2019 20:16

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, không có chuyện HĐND thành phố bác việc lấy tiền ngân sách của thành phố bù tiền chênh vì phải mua nước giá cao của Nhà máy nước mặt sông Đuống như thông tin trước đó.

Chiều 2.12, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, trước câu hỏi của báo chí về việc liệu Nhà máy nước sông Đuống có phá vỡ quy hoạch, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, việc đầu tư nhà máy không phá vỡ quy hoạch.

Theo ông Hùng, đây là nhà máy cấp nước sạch quy mô liên vùng. Hiện nay thành phố đang cấp nước sạch cho người dân và tổ chức trên địa bàn theo Quyết định 68 ngày 19.9.2013. Từ đó đến nay TP. Hà Nội đã giữ giá nước ổn định cho người dân và cơ sở sản xuất, dù phải có lộ trình tăng giá nước.

"Về quản lý nước, trong Nghị định 117/NĐ-TTg về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và Thông tư 75 liên Bộ 2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể ở địa phương, không trái quy định hiện hành" - ông Hùng thông tin.

Mô hình Nhà máy nước sông Đuống.

Cũng theo ông Hùng, sau khi xem xét giá tiêu thụ, giá bán lẻ, UBND TP. Hà Nội có trao đổi HĐND Thành phố bằng văn bản số 2968 ngày 15.7.2019 xem xét phối hợp xử lý vướng mắc khi có chênh lệch giá nước bán lẻ và giá nước tiêu thụ. HĐND Thành phố sau đó có văn bản số 285 giải quyết theo đúng pháp luật.

"Phương án giá nước, tạm thời trợ giá cho Nhà máy nước sông Đuống là thẩm quyền quyết định của UBND Thành phố. Đồng thời UBND Thành phố rà soát làm rõ phương án giá nước sạch năm ngân sách 2019, báo cáo HĐND Thành phố khi cần thiết. Đây là các văn bản trao đổi chứ không phải bác, hiện UBND Thành phố đang chỉ đạo sửa đổi Quyết định 38 trong đó giải quyết vấn đề, bảo đảm tính đúng đủ giá cả sản xuất cung cấp nước sạch. Việc trợ giá đối với Nhà máy nước sông Đà thực hiện theo đúng quy định pháp luật" - Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội khẳng định.

Trước đó, các đơn vị chức năng đã xuất phương án cấp bù phần thua lỗ của hai đơn vị mua nước của Công ty nước mặt Sông Đuống cũng như cho chính công ty này. Tổng số tiền dự kiến cấp bù mua nước sạch sông Đuống trong năm 2019 khoảng 200 tỉ đồng.

Sau đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về việc tiếp tục tạm thời thanh toán cho Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống theo giá bán buôn đã thống nhất là 7.700 đồng/m3 và chấp thuận phương án tạm thời trợ giá phần chênh lệch giữa giá thành sản xuất, phân phối, tiêu thụ với giá bán lẻ nước sạch bình quân.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, thẩm duyệt các nội dung và yếu tố đề xuất sử dụng tiền ngân sách chi vào việc bù giá mua nước sạch sông Đuống, đối chiếu với quy định hiện hành là thiếu các yếu tố cần thiết; vì vậy, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội chưa đồng ý dùng ngân sách cho việc bù giá mua nước sạch sông Đuống.

Trước đó, thông tin Hà Nội chấp thuận giá mua từ nhà máy nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm thu hút rất lớn sự quan tâm từ phía dư luận. Người dân phản ứng trước giá nước sông Đuống không chỉ vì mức giá này cao gấp đôi so với bình thường mà còn vì người dân không cảm thấy minh bạch.

Theo người dân, không chỉ có nhà máy nước, tất cả các công trình, dự án liên quan đến lợi ích của nhiều người thì đều cần phải minh bạch. Và muốn thể chế minh bạch thì cần phải có cơ chế kiểm soát của nhà nước. Một trong những cơ chế kiểm soát là có sự tham gia của kiểm toán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn