MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng. Ảnh: Nhật Hồ

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL

NHẬT HỒ LDO | 27/09/2023 14:26

Bạc Liêu - Sáng ngày 27.9, tại tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ra mắt Hội đồng điều phối và triển khai một số công việc trọng tâm từ nay đến cuối năm 2023.

Tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã công bố Quyết định số 974, ngày 19.8.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL.

Theo Quyết định, Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL có tổng số 29 thành viên, do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Chủ tịch, cùng 4 Phó Chủ tịch Hội đồng.

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nhật Hồ

Với mục tiêu, nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Hội đồng điều phối vùng có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên quan về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng cực Nam của Tổ quốc, là cầu nối nước ta với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong.

Hầu hết các tỉnh ĐBSCL có biển đều phát triển mạnh điện gió. Ảnh: Nhật Hồ

Đây cũng là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây, giữ vai trò to lớn về môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực cho cả nước.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, tổng thế vùng ĐBSCL có kết cấu và liên kết vùng, liên kết trong công nghiệp chế biến, các chuỗi giá trị nông nghiệp, giao thông có điểm nghẽn lớn nhất là chưa đầy đủ và đồng bộ; nhất là vùng chưa có cảng biển nước sâu nên khiến cho việc xuất khẩu yếu, lợi thế cạnh tranh rất khó khăn, khiến cho việc thu hút đầu tư và phát triển nguồn nhân lực của vùng bị hạn chế.

Về định hướng hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải có những hành động cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng.

Trong đó, cần tập trung vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu nông nghiệp phù hợp với từng vùng sinh thái, chủ động thích ứng, thực hiện hiệu quả các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giải quyết vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún, hạn mặn; xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Để Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL hoạt động hiệu quả, thực chất, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các thành viên Hội đồng, lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương bám sát các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng và quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng để đề ra kế hoạch hành động và khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ liên quan điều phối, liên kết vùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn