MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc sáng 18.8. Ảnh: Trần Vương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ ra 13 tồn tại trong lĩnh vực văn hóa

Vương Trần LDO | 18/08/2023 12:41

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ ra 13 tồn tại trong lĩnh vực văn hóa hiện nay, trong đó có sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá; về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; về đầu tư cho văn hoá, về chất lượng văn hoá.

Ưu tiên hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực về văn hoá

Sáng 18.8 tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về kết quả công tác nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian vừa qua, việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII hết sức quyết liệt, quyết tâm rất cao. Đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất phấn khởi.

Dành nhiều thời gian để nói về những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực văn hoá, Phó Thủ tướng cho rằng có 13 tồn tại, trong đó có những tồn tại thuộc về nhận thức, tư duy.

Trong đó có tồn tại về chậm thể chế hoá, phát triển văn hoá chưa đồng bộ, nặng về hình thức; tồn tại về môi trường văn hoá bị ô nhiễm bởi tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá; về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; về đầu tư cho văn hoá, về chất lượng văn hoá….

Toàn cảnh buổi làm việc sáng ngày 18.8. Ảnh: Trần Vương

Phó Thủ tướng nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiều vấn đề về tư duy, vị trí, vai trò văn hoá. Văn hoá đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội…

Chính phủ bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng và đánh giá sơ kết việc thực hiện các mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời cũng cập nhật tình hình bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra trong nước và quốc tế.

Phó Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm như rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những luật liên quan tới quản lý văn hoá, những luật liên quan tới đầu tư, cơ chế chính sách đặc thù trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ; tiếp tục phát hiện, gìn giữ, bảo tồn và phát triển các di sản vật thể và phi vật thể…

Bên cạnh việc phát triển thể chế, nội dung khác rất được ưu tiên đó là đào tạo, xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực. Đối với vấn đề văn hoá cần có những đội ngũ được đào tạo để có những lý luận, nghiên cứu, phản biện trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật.

Xây dựng một "đại công trình" về văn hoá

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thời gian tới, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống với tinh thần dân tộc - đại chúng kết hợp với tinh hoa văn hoá nhân loại. Văn hoá hoá kinh tế, văn hoá trở thành lực lượng kinh tế, văn hoá trở thành ngành công nghiệp đóng góp cho kinh tế.

Hiện nay, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chương trình mục tiêu về văn hoá, đặt ra sứ mệnh là một “đại công trình” về văn hoá, đưa ra những nhiệm vụ giải pháp có tính đột phá, giải quyết những vấn đề ưu tiên nhất cho văn hoá để từ chương trình này tạo ra sự nhận thức đầy đủ, phát huy đúng mục tiêu giá trị, văn hoá con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan liên quan sẽ dành sự quan tâm, để đóng góp cho được "đại công trình" này, diễn ra trong khoảng 10 năm tạo ra những giải pháp đột phá, tạo ra nhận thức về văn hoá, đổi mới về tư duy và phát huy giá trị truyền thống về văn hoá.

Ông nhấn mạnh, trong các giai đoạn lịch sử, văn hoá soi đường cho quốc dân đi, văn hoá kháng chiến, văn hoá kiến quốc. Hiện nay, “văn hoá soi đường cho chúng ta đi” trong giai đoạn chuyển đổi thế giới, trước những thời cơ, thách thức lớn đó là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

“Văn hoá sẽ tiếp tục soi đường để chúng ta có sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh bền vững dựa trên sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm từ văn hoá” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn