MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu gắn chuyển đổi số trong ứng phó hạn mặn

Thành Nhân LDO | 07/04/2024 19:37

Kết luận về công tác phòng chống hạn mặn ngày 7.4, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà lưu ý, cần có tầm nhìn mới đối với cả Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và đặt trên bối cảnh tình hình sẽ thiếu lượng nước thượng nguồn, do đó cần có giải pháp căn cơ hơn, đồng bộ trên toàn vùng.

Ngày 7.4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh vùng ĐBSCL về công tác phòng chống hạn mặn.

Tại buổi làm việc, tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng 3 cống: Trà Tân, Ba Rài và Phú An, để khép kín vùng dự án Bảo Định mở rộng nhằm bảo vệ khoảng 130.000ha đất sản xuất nông nghiệp cho 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí dự kiến đầu tư 5 hệ thống thuỷ lợi khoảng 197 tỉ đồng; xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đấu nối với dự án Quản lộ - Phụng Hiệp; xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thông qua các trạm bơm…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh vùng ĐBSCL về công tác phòng chống hạn mặn. Ảnh: Thành Nhân

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tất cả các hệ thống cống liên quan mặn ngọt, dù Trung ương hay địa phương đầu tư đã đến lúc phải kết nối thành hệ thống để quản lý theo lưu vực sông, chứ không thể cục bộ. Một ngày nào đó, người dân ở bất kỳ một nơi nào đó mở điện thoại di động ra, người ta biết ngày hôm nay mặn hay là ngày mai, người ta quan tâm để có những phản ứng kịp thời", Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói.

Các kênh ở huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) khô cạn. Ảnh: Thành Nhân

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của các địa phương khu vực ĐBSCL với nhiều giải pháp ứng phó với hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt, sạt lở, sụt lún. Trong đó, có nhiều sáng kiến hiệu quả.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, cần có tầm nhìn mới đối với cả ĐBSCL và đặt trên bối cảnh tình hình sẽ cực đoan hơn do thiếu lượng nước thượng nguồn, do đó, cần có giải pháp căn cơ hơn, đồng bộ trên toàn vùng. Thống nhất đầu tư hạ tầng thủy lợi đồng bộ, các dự án liên quan hạ tầng để điều tiết hệ thống thủy lợi hiệu quả cho cả vùng, cấp nước càng sớm càng hiệu quả. Phải khép kín và phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, giúp ĐBSCL chuyển đổi nhanh sang trạng thái bền vững. Mỗi năm phải thích ứng và có biện pháp bảo đảm hơn, mạnh mẽ hơn, bởi tình hình ngày càng phức tạp hơn.

Về các nguyên nhân gây sụt lún, sạt lở, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị, tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và các địa phương liên quan xem xét đánh giá lại vấn đề khai thác nước ngầm, tác động của việc quy hoạch liên quan đến dân cư, hạ tầng giao thông, khu vực trọng yếu… để có các giải pháp đảm bảo yêu cầu.

“Trong mọi kịch bản đều phải chủ động, linh hoạt. Trong đó, đòi hỏi sự tham gia của người dân, có phương án chủ động tích trữ nước. Cần gắn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật tình hình, cung cấp thông tin về thời tiết cực đoan, hạn mặn, sụt lún,… để nông dân nắm bắt, có sự chủ động thích ứng trong sản xuất, điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp. Cần làm thật nhanh, thật sớm các giải pháp đảm bảo cung cấp nước cho người dân”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn