MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (ngày 19.5.1955). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Phong cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh, tỏa sáng những giá trị thời đại

PGS.TS BÙI ĐÌNH PHONG - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh LDO | 18/05/2023 06:10

Phong cách Hồ Chí Minh đưa tới những tư tưởng lớn thể hiện sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều mặt, trên cơ sở đó không chỉ mở đường cho dân tộc mình mà còn mở đường cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Hiện thân cho những khát vọng

Nghị quyết của UNESCO nêu rõ, tư tưởng Hồ Chí Minh là hiện thân cho những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau. 

Hồ Chí Minh là một nhân vật kiệt xuất của lịch sử bởi những đóng góp của Người vào kiến tạo hòa bình, hòa giải, thúc đẩy và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Phát hiện và khai thác điểm chung mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội trong chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Tôn Dật Tiên, Khổng giáo hay Thiên chúa giáo, là một phong cách tư duy hiếm thấy trong dòng tư tưởng nhân loại. Theo Người, văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại. 

Trong hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một đại biểu phát biểu: “Chúng tôi đến đây, có người theo đạo Hồi, có người theo đạo Phật, đạo Tin lành, đạo Thiên Chúa, trước chúng tôi không hiểu nhau, qua hai ngày hội thảo, chúng tôi có thể ngồi lại nói chuyện vui vẻ với nhau, vì chúng tôi có cái chung là lí tưởng Hồ Chí Minh: Muốn cho nhân loại được tự do, hạnh phúc”[1].

Tổ chức Hội thảo quốc tế lớn với chủ đề “Hồ Chí Minh - Việt Nam - hòa bình thế giới”, nhân dân Ấn Độ cảm ơn Việt Nam, ngưỡng mộ Hồ Chí Minh, coi Người là lãnh tụ của Việt Nam và của cả chính họ. Dự hội thảo có khoảng 12.000 người xếp thành hình ảnh Hồ Chí Minh, thành khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm”. Tổng thống Ấn Độ coi kỉ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ quốc tế mà còn là nhiệm vụ của quốc gia Ấn Độ. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hòa bình là khát vọng của nhân loại tiến bộ. Chế độ chính trị khác nhau không ngăn cản việc chung sống hòa bình và phấn đấu cho một nền hòa bình bền vững. Người “tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được”[2].

Suy nghĩ của Hồ Chí Minh về giải pháp thiết lập một nền hòa bình bền vững trên thế giới là mỗi dân tộc cần có ý thức và trách nhiệm về giá trị cao quý của hòa bình và bằng mọi cách để có được hòa bình. Các nước, nhất là những nước lớn cần có thái độ hợp tác chân thành, giải quyết mâu thuẫn bằng thương lượng hòa bình, không đe dọa và dùng vũ lực, không có thái độ “cá lớn nuốt cá bé”. 

Nhà văn hoá kiệt xuất

Tổ chức UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất, đề cao việc thúc đẩy các nền văn hóa xích lại gần nhau. Trong trao đổi và đối thoại văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo ra một công cụ hữu hiệu để kiến tạo hòa bình. Công cụ đó là câu nói nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” có giá trị toàn cầu vì nó khẳng định khát vọng về những giá trị chung của nhân loại; là đoàn kết thế giới theo tinh thần “bốn phương vô sản, bốn biển đều là anh em”; là tình hữu nghị, hữu ái giữa nhân dân các nước; là thái độ và tấm lòng vị tha, nhân văn, nhân đạo cao cả...

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu Tổ quốc và đồng bào mình, cũng yêu nhân dân và Tổ quốc các nước. Người coi sinh mệnh của một người nước nào hay sinh mệnh của một người Việt Nam đều quý như nhau.

Trong ngày thực dân Pháp tái xâm lược Miền Nam (23.9.1945), cùng với việc phê phán một số người Pháp gây nên cuộc xung đột đổ máu giữa hai bên, Hồ Chí Minh nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hi sinh tính mệnh. Người “cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”[3]. 

Không phải ngẫu nhiên mà sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng Cộng sản Mỹ trong điện chia buồn đã viết những lời hết sức cảm động, thống thiết: “Nhân loại đã mất một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một người thầy Mácxít - Lêninnít xuất sắc mà tấm lòng ưu ái đầy thi vị mong muốn một thế giới tốt đẹp có hương hoa tươi thắm và tiếng cười náo nức của trẻ em đã thấm nhuần vào chủ nghĩa nhân đạo toàn diện của cuộc đời mà Người đã sống, thấm nhuần vào những việc kì diệu mà Người đã làm và sự nghiệp trọn đời Người đã phục vụ. 

Tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi gắn bó với những hành động cao cả nhất và những ước mơ cao quý nhất của nhân loại nhằm thực hiện một khối cộng đồng anh em thực sự của nhân dân các nước được hưởng quyền bình đẳng và được thỏa mãn đầy đủ về những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình, một thế giới không có chiến tranh, không có sự tàn bạo, nghèo khổ và phân biệt đối xử”[4]. 

Cũng chính đại biểu Mỹ phát biểu trong Hội thảo quốc tế nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu chủ nghĩa cộng sản như chủ nghĩa cộng sản Hồ Chí Minh thì cũng chấp nhận được”[5].

Bạn bè thế giới, học giả quốc tế đã nói lên những điều chúng ta cần nói về phong cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh, tỏa sáng những giá trị thời đại, những giá trị trường tồn.

[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh quá trình hình thành và phát triển, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.9.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr 12.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr 510.

[4] Đỗ Hoàng Linh - Phạm Hoàng Điệp (biên soạn): Hồ Chí Minh trong kí ức bạn bè quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.78.

[5] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh quá trình hình thành và phát triển, Sđd, tr.9.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn