MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu quốc hội khóa XIV đoàn Hà Nội. Ảnh PV

Phòng, chống tham nhũng phải xử lý từ gốc đến ngọn

HOA LÊ LDO | 24/06/2018 19:00
Đó là khẳng định của ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV đoàn Hà Nội khi đánh giá về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua.

Theo ông Hoàng Văn Cường, công tác phòng chống tham nhũng, đặc biệt từ sau Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Đại hội lần thứ XII và gần đây là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã có những bước tiến và mang lại kết quả rõ rệt.

Thời gian qua, điểm sáng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng phải kể tới việc phanh phui và xử lý nhiều vụ án tham nhũng lớn, trở thành một phong trào mà tất cả mọi người đều có thể tham gia.

Thể hiện quyết tâm và sức mạnh rất lớn của cả hệ thống chính trị, xoá tan mọi nghi ngờ về cái gọi là "vùng cấm" trong lĩnh vực này, ông Cường nhấn mạnh, việc xử lý những vụ việc tham nhũng chấn động đã lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng. 

Qua đó, người dân nhìn thấy sự quyết tâm của Đảng không chỉ dừng lại ở nghị quyết, văn bản mà thể hiện ở những hành động, việc làm cụ thể. 

Bên cạnh việc xử lý tham nhũng vặt, công tác phòng chống tham nhũng còn đi sâu vào phần "gốc lớn", đặc biệt xử lý nhiều cán bộ ở cấp trung ương, thậm chí ở cấp Ủy viên Bộ Chính trị như trường hợp ông Đinh La Thăng, hay tướng lĩnh của ngành công an trong vụ án đánh bạc qua mạng internet trị giá nhiều nghìn tỷ đồng hay vụ án Vũ "nhôm"...

"Những nỗ lực phòng chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị góp phần tăng cường sự tin cậy của doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp tư nhân. 

Điều này thể hiện quyết tâm, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh dựa trên năng lực chứ không phải dựa vào đặc quyền, thế lực ngầm. Đồng thời, khích lệ, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy kinh tế phát triển", đại biểu Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh.

Vị ĐBQH này chỉ rõ, trước đây, chống tham nhũng chỉ dừng lại ở việc xử lý những cá nhân nhưng đến nay, vụ án tham nhũng bị phanh phui mang tính chất “đường dây”, nhóm quyền lực câu kết với nhau. Những lợi ích này xâu chuỗi ở các lĩnh vực như từ dầu khí, đến ngân hàng, thanh tra, kiểm toán…

“Điều này, không chỉ thể hiện sự quyết tâm, mà thể hiện bản lĩnh, trong sạch của người đứng đầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trước tình trạng tham nhũng phức tạp như vậy, chúng ta càng thấy rõ người đứng đầu luôn sáng suốt, bình tĩnh và sẵn sàng đối mặt, đẩy lùi quốc nạn này”, ông Cường nêu.

“Hiến kế để công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, ông Cường đặt vấn đề, đại án tham nhũng trong thời gian vừa qua không phải vi phạm mới xảy ra nhưng tại sao không ngăn chặn từ ban đầu? Phòng chống tham nhũng phải đề cao công tác phòng ngừa, ngăn chặn. Sai phạm từ nhỏ nhất, đơn lẻ sao không bị phát hiện, thậm chí bỏ qua dễ dàng, nên sai phạm ngày càng sai phạm hơn. Nếu thực hiện nghiêm giám sát, phòng chống ngay từ đầu thì vấn đề xử lý đơn giản và ngăn cản không lún sâu vào sai phạm đó.

"Muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả và rộng khắp, phải thực hiện một cơ chế chặt chẽ. Như vậy, phải thiết lập cơ chế vận hành phòng chống tham nhũng hiệu quả. Cơ chế này quay trở lại trong hệ thống luật pháp, gắn trách nhiệm của người khi được giao nhiệm vụ phòng chống tham nhũng có hay chưa. Ví dụ trách nhiệm của thanh tra, người gác cổng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong thực tế, ở một vài nơi, tình trạng nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, mặc dù đã bị các cơ quan thông tin đại chúng và người dân phanh phui, tố cáo nhưng không được đưa ra xử lý công khai. Có cả trường hợp không công bố công khai kết quả xử lý. Vì vậy, cần công khai rõ ràng để người dân nắm được và giám sát ngược lại. Việc càng công khai, minh bạch thì xử lý càng nghiêm minh", ông Cường đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn