MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: T.Vương

Phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước là nội dung quan trọng

TRẦN VƯƠNG LDO | 15/04/2022 09:54
Bộ Chính trị yêu cầu khắc phục những sơ hở, bất cập trong đấu giá đất và thị trường chứng khoán, đồng thời từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Theo các chuyên gia, việc mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước là bước phát triển quan trọng, phải thực hiện...

Tham nhũng, tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều điểm nhấn rất quan trọng.

Trong đó, Kết luận 12-KL/TW nhấn mạnh từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; cụ thể hóa và thực thi Công ước quốc tế về chống tham nhũng theo đúng lộ trình, phù hợp với điều kiện và pháp luật của Việt Nam.

Trước đó, nội dung này đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, song do là vấn đề mới và khó nên việc triển khai thực hiện cần sự quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn.

Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, đây là một vấn đề rất đáng chú ý và cần quan tâm.

Theo ông, tham nhũng khu vực ngoài nhà nước là những hành vi do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm hành vi tham ô tài sản, hành vi nhận hối lộ và hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi. 

“Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng không chỉ dừng lại trong khu công mà đã và đang lan sang cả khu vực ngoài nhà nước, có sự kết nối đan xen công - tư ở nhiều lĩnh vực. Do đó, việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước cũng chính là để phòng, chống tham nhũng khu vực công hiệu quả hơn” - ông Hoà phân tích và cho rằng, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước.  

Ông cho rằng, quy định này thể hiện “sự đổi mới tư duy” trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cộng đồng trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, khu vực tư cũng được ưu tiên phát triển lớn mạnh.

Thực tế, việc lợi dụng quyền lực để vụ lợi trong khu vực tư về bản chất cũng không khác gì khu vực công, nên những vi phạm ở khu vực này cũng phải được coi là “hành vi tham nhũng”.  

Phòng chống tham nhũng sẽ không hiệu quả nếu bỏ qua khu vực này

Vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng, việc này là cần thiết, phù hợp xu thế quốc tế cũng như yêu cầu phòng, chống tham nhũng đặt ra trong tình hình hiện nay; bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự, hình sự hóa các hành vi tham ô tài sản, hối lộ, nhận hối lộ... đối với người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước; đồng thời phù hợp với các Công ước Liên Hợp Quốc mà Việt Nam là thành viên. 

Cùng trao đổi, PGS.TS Lê Quốc Lý (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thì cho rằng: Tham nhũng trong khu vực tư không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư mà còn ảnh hưởng đến khu vực công.

Trong một số trường hợp, khu vực tư chính là nơi “rửa tiền”, “sân sau” của những hành vi tham nhũng trong khu vực công. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ không hiệu quả nếu bỏ qua khu vực này.

PGS.TS Lê Quốc Lý cũng cho rằng, tham nhũng trong khu vực tư ảnh hưởng đến nền kinh tế, đến người tiêu dùng sản phẩm và làm do dự các nhà đầu tư nước ngoài, bởi, các nhà đầu tư nước ngoài không thể dự đoán được trước những chi phí không chính thức có thể phát sinh trong quá trình kinh doanh, gián tiếp làm chậm sự phát triển của nền kinh tế.

“Việc lành mạnh hóa nhóm chủ thể này còn giúp phát triển bền vững, ổn định nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực công”- PGS.TS Lê Quốc Lý đề nghị cùng với việc mở rộng sang khu vực ngoài nhà nước, cần đánh giá tác động, tính khả thi, đồng thời các quy định chặt chẽ, phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, vừa không gây khó khăn đến hoạt động của các chủ thể này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn