MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc khu vực phía bắc đảo Phú Quốc. Ảnh: Lục Tùng

Phú Quốc lên thành phố: Kỳ vọng thành đầu tàu kinh tế vùng biển Tây

lục tùng LDO | 11/12/2020 07:43
Trong tương lai không xa, Thành phố biển Phú Quốc (Kiên Giang) không chỉ là Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế theo định hướng của Trung ương, mà còn là Trung tâm Kinh tế biển trên vùng biển Tây.

Vỡ òa niềm vui

“Ngày 9.12 không chỉ là thời khắc khai sinh ra TP biển đầu tiên của cả nước mà còn đánh dấu hành trình nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của Đảng, chính quyền, quân dân Phú Quốc nói riêng, Kiên Giang và cả nước nói chung” - ông Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐNĐ tỉnh Kiên Giang, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - chia vui trước thông tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc thành lập TP.Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng huyện Phú Quốc.

Thực vậy, dù cách xa đất liền khoảng 100km, nhưng những năm qua, với tầm đầu tư của Trung ương và sự linh động của tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc đã xích lại gần hơn với trong nước và quốc tế. Chuỗi hệ thống tàu cao tốc, tàu phà cho cả hai bến cảng: Rạch Giá và Hà Tiên với tần suất 5 chuyến đi và về/ ngày (150-300 khách/tàu), cùng với sân bay quốc tế Phú Quốc tần suất 15-20 chuyến/ngày nối Phú Quốc với Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vinh… và nhiều quốc gia trên thế giới đã dễ dàng đưa du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng quanh năm.

Giờ, vẫn là Phú Quốc đó, nhưng bước chuyển mình này không chỉ là sự thay đổi danh xưng hành chính mà là phát pháo hiệu khởi đầu cho hành trình khai thác tiềm năng, thế mạnh đặc thù của Đảo Ngọc, được bạn bè quốc tế đánh giá và bình chọn là thiên đường nghỉ dưỡng và hơn thế nữa... Bởi lâu nay, với vị thế địa lý độc đáo, nằm giữa vùng biển Tây giàu có hải sản, có nguồn nước ngọt dồi dào và nhiều đặc sản nổi tiếng, như nước mắm, hồ tiêu, sim...

Phú Quốc luôn có mặt trong top 10 bãi biển đẹp thế giới được bao phủ bởi bờ biển dài với nhiều bãi biển nguyên sơ, đẹp nổi tiếng chạy dọc theo những cánh rừng nguyên. Nhưng do chiếc áo cơ chế dành cho địa phương cấp huyện khá chật trước nhu cầu phát triển, nên ngoại trừ vài tập đoàn lớn đầu tư được nhiều công trình ấn tượng, gần Phú Quốc chưa đánh thức được hết tiềm năng... Thậm chí, có lúc còn làm vướng vấp không đáng có bước chân nhiều nhà đầu tư.

Do vậy, sự kiện Phú Quốc lên thành phố đã mang lại cho nhiều doanh nghiệp niềm vui lớn. Đó là niềm vui trút được gánh nặng về sự chật chội...

“Phú Quốc sẽ khoác lên mình chiếc áo mới, vừa vặn cho những cuộc bức phá về đầu tư. Nhất là sẽ tạo ra sự thay da đổi thịt trong lĩnh vực đất đai, cơ sở hạ tầng và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài”- một doanh nghiệp nhiều năm chật vật với việc đầu tư ở Phú Quốc chia sẻ.

Vun đắp cho Phú Quốc vươn xa

“Với phương châm: Đầu tư cho Phú Quốc không chỉ vì Phú Quốc mà còn là đầu tư cho sự phát triển bền vững cho cả tỉnh Kiên Giang và hơn thế nữa” - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, Đỗ Thanh Bình, chia sẻ quan điểm đầu tư để Phú Quốc vươn nhanh, bay xa trong tương lai không xa - “Vì thế thời gian qua và đặc biệt là tại Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI vừa diễn ra đã tiếp tục khẳng định cao hơn, khi xác định đầu tư phát triển Phú Quốc là một trong 3 khâu đột phá kinh tế của tỉnh, bao gồm: Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập; phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển Phú Quốc.

“Tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế” - ông Bình khẳng định.

Theo ông Bình, mặc dù thời gian qua Phú Quốc có bước phát triển nhanh, nhưng vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: Nguồn vốn đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thiết yếu phục vụ yêu cầu phát triển từ ngân sách còn hạn chế; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, quản lý rừng, quản lý xây dựng còn nhiều bất cập, nên phát triển dịch vụ du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường sinh thái...

Vì thế, theo ông Bình, để Phú Quốc sớm trở thành “Trung tâm Du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế” và đầu tàu kinh tế trên vùng biển Tây theo định hướng của Trung ương, tới đây, Kiên Giang sẽ xúc tiến cùng với các bộ ngành phối hợp xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi và môi trường đầu tư thông thoáng, đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn có năng lực đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của Phú Quốc, nhất là về phát triển du lịch dịch vụ. Trong đó, vừa đầu tư cho du lịch, vừa đầu tư phát triển nuôi biển, chế biến và đánh bắt hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá...

Phát triển Phú Quốc trong tâm thế kinh tế biển

Với lợi thế của địa phương có bờ biển dài trên 200km, diện tích biển khoảng 63.000km2 và trên 100 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có Phú Quốc là đảo lớn nhất nước, hơn đâu hết Kiên Giang đang sở hữu nền kinh tế biển rất phong phú, đa dạng và giàu tiềm năng. Vì thế Kiên Giang cần tiếp tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo NQ 36/NQ-TW ngày 22/01/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển gắn với phát triển du lịch. Cụ thể là quan tâm, đầu tư xây dựng Phú Quốc phát triển thành Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Phát triển này phải gắn bó mật thiết trong tâm thế phát triển kinh tế biển chung của tỉnh.

(Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình)

* Là hòn đảo lớn nhất Việt Nam có diện tích hơn 589km², dân số hơn 179.000 người, năm 2006, cùng với Vườn quốc gia U Minh Thượng... Phú Quốc được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nằm trong hành lang vận biển hàng hóa quốc tế từ Đông sang Tây và cách thủ đô các nước ASEAN không quá 2 giờ bay nên Phú Quốc có nhiều lợi thế để phát triển như trung tâm khu vực.

* Sau khi thành lập, TP.Phú Quốc chỉ còn 9 đơn vị hành chính cấp xã thay vì 10 đơn vị hành chính cấp xã như hiện nay. Cụ thể, gồm: 2 phường (Dương Đông, An Thới) và 7 xã (Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn