MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phú Yên: Những điểm nghẽn cần khơi thông để phát triển

Thuỳ Dung LDO | 13/06/2022 15:03

Ngày 13.6, tỉnh Phú Yên là địa phương đầu tiên thực hiện Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 2.8.2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương nêu những kết quả nổi bật mà Phú Yên đạt được cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2005-2020 đạt 8,3%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước Quy mô nền kinh tế năm 2020 tăng gấp 3,66 lần so với 2004. GRDP bình quân đầu người liên tục tăng, năm 2020 đạt 50,4 triệu đồng, đến năm 2021 đạt 51,4 triệu đồng/người, tăng gấp 9,7 lần so với năm 2004. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá, giai đoạn 2005-2020 tăng khoảng 13,5%, trong đó vốn khu vực tư nhân vốn ngoài ngân sách nhà nước chiếm khoảng trên 70%. Năng suất lao động tăng nhanh, giai đoạn 2004-2020 đạt khoảng 14,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp (theo đúng tinh thần của Nghị quyết 39-NQ/TW). Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải được tập trung đầu tư một cách đồng bộ, có trọng điểm và đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, với  tổng  chiều dài 5.715km kết nối thông suốt, thuận lợi với các tỉnh lân cận, mở ra cơ hội giao thương, liên kết phát triển liên vùng, phát triển kinh tế biển...

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương nhấn mạnh, nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW.

Bên cạnh những việc làm được như báo cáo đã nêu, đồng chí Trần Tuấn Anh cho rằng, Phú Yên vẫn còn những hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, phát huy hiệu quả. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao còn rất hạn chế. Hạ tầng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh còn chậm; thu hút đầu tư còn hạn chế; tiến độ triển khai nhiều dự án còn chậm trễ, kéo dài. Liên kết vùng còn lỏng lẻo, phạm vi liên kết còn hẹp, mang tính tự phát, thiếu bền vững. Xung đột lợi ích trong liên kết phát triển giữa các địa phương và toàn vùng vẫn xảy ra, nhất là trong thu hút nguồn lực xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng (bến cảng, sân bay,…), khu đô thị, khu công nghiệp…

Để công tác tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW đem lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra của Ban Chỉ đạo và nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững tỉnh Phú Yên, đảm bảo “đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế chủ lực, để đến năm 2030, Phú Yên có ngành dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp phát triển mạnh” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2020-2025 và Dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW và đề ra, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị Đảng bộ tỉnh Phú Yên thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, là công cụ quản lý và cơ sở cho việc thu hút đầu tư và quản lý phát triển tỉnh. 

Thứ hai, thực hiện tốt công tác giám sát phát triển kinh tế biển, trên cơ sở đó phát huy hơn nữa tiềm năng kinh tế biển để Phú Yên trở thành một tỉnh mạnh về biển và giàu, đẹp từ biển với lợi thế khoảng 189 km bờ biển, với nhiều đầm, vịnh đẹp tự nhiên và hoang sơ, cảnh quan thiên nhiên đẹp (ghềnh Đá Đĩa, Hòn Yến, Vịnh Xuân)...

Thứ ba, tạo sự đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; khai thác hiệu quả hơn “dư địa” về cải cách môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là phát triển trở thành trung tâm du lịch của khu vực Nam Trung Bộ và quốc gia. Cần xác định rõ nội lực là chính và đầu tư công là vốn mồi, để dẫn dắt đầu tư tư nhân.

Thứ tư, chú trọng liên kết vùng, phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của tỉnh Phú Yên là một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, nhất là liên kết khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hoà, Bắc Phú Yên - Nam Bình Định và Phú Yên - Tây Nguyên. Phát triển hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 25, Quốc lộ 29, Quốc lộ 19C, đường Đông Trường Sơn với các tỉnh Tây Nguyên, kết nối với khu vực Đông Bắc Campuchia và Nam Lào, trong đó Phú Yên là một trong các cửa mở ra biển Đông.

Thứ năm, bám sát Kế hoạch, Đề cương của Ban Chỉ đạo và ý kiến tham gia, thảo luận tại Hội nghị để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.

Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Tỉnh ủy Phú Yên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để hoàn thiện Báo cáo tổng kết và tham dự đầy đủ các hoạt động Tọa đàm, Hội thảo và tham gia vào Báo cáo tổng kết, Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết mới để phối hợp với Ban Chỉ đạo tham mưu cho Bộ Chính trị những quan điểm và định hướng mới cho phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn