MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long. Ảnh: Phạm Thành

Quán karaoke không đủ điều kiện PCCC thì phải rút giấy phép

PHẠM ĐÔNG LDO | 09/09/2022 13:49

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long cho rằng, với kinh doanh karaoke nếu phát hiện không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì phải rút giấy phép, có biện pháp xử lý ngay chứ không phải đăng lên cho nhân dân biết. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập dẫn đến các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi tội phạm.

Cần tăng cường quản lý nhà nước về PCCC

Sáng 9.9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 7, Ủy ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Đại diện cho Tiểu ban 1, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long nhấn mạnh, “số vụ cháy tuy có giảm nhưng vẫn xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản”.

Ông Long nhắc tới vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương mới đây khiến 32 người chết và vụ cháy quán karaoke ở Quan Hoa (Hà Nội) làm 3 cán bộ, chiến sĩ PCCC ở Hà Nội hy sinh.

“Đối với các vụ cháy này, mặc dù các cấp, ngành đã tăng cường quản lý và gần đây nhất, Công an TP Hà Nội đã công bố các quán karaoke có vi phạm cho toàn dân biết nhưng chúng tôi nghĩ rằng biện pháp đó chưa đủ” - ông Long nói.

Theo ông, karaoke là hoạt động kinh doanh có điều kiện nguy cơ rất cao. Nếu phát hiện không đủ điều kiện về PCCC thì các cơ quan rút giấy phép, có biện pháp xử lý ngay chứ không phải đăng lên cho nhân dân biết.

“Chúng tôi cho rằng, cần tăng cường quản lý nhà nước” - ông Long nói.

Tình trạng lợi dụng bất cập về chính sách và dịch bệnh

Tiếp đó, ông Long cũng nhấn mạnh, việc lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để trục lợi đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng cho nhà nước, người dân và xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương.

Nổi lên là một số vụ án có quy mô, vi phạm đặc biệt lớn như các vụ mua bán, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch; thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ các vùng dịch về nước.

“Liên quan đến vụ việc trên còn có cả những bị can nguyên là cán bộ cấp cao đã lợi dụng chính sách của nhà nước làm trái quy định để vụ lợi” - báo cáo nêu và dẫn vụ Việt Á, đến nay C03 đã khởi tố 26 bị can; công an 21 địa phương đã khởi tố 24 vụ/63 bị can; vụ án đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Ngoài ra, theo ông Long, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập dẫn đến các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi tội phạm.

Cụ thể, việc quản lý mạng viễn thông, internet, mạng xã hội vẫn chưa đạt yêu cầu; tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn, điển hình như sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen, tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá, đánh cắp thông tin chiếm đoạt tài khoản của khách hàng, phát tán tin nhắn quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm...

Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn nhiều sơ sở dẫn đến một số đối tượng lợi dụng để thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, đến an ninh, tài chính tiền tệ. Trong đó, hành vi phạm tội thực hiện trong một thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý.

Báo cáo của Tiểu ban 1 dẫn chứng vụ án Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC - bị khởi tố về hành thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo; vụ án Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng của 6.000 nhà đầu tư...

Không những vậy, vẫn xảy ra tình trạng tiếp tay, nhận hối lộ của một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật để làm ngơ cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, xảy ra trong thời gian dài gây bức xúc dư luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn