MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Quản lý biên chế, giám sát số người làm việc tối đa trong đơn vị sự nghiệp

PHẠM ĐÔNG LDO | 10/08/2023 15:11

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế, số lượng người làm việc tối đa trong đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Ngày 10.8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 tổ chức phiên họp thứ nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì phiên họp.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 837/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ mục đích giám sát là nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; Rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ đó kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Đối tượng giám sát là Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Các thành viên Đoàn giám sát. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Nội dung giám sát về việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập đối với các nội dung sau đây: Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế (số lượng người làm việc tối đa trong đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập. Hoàn thiện cơ chế tài chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát cùng các đại biểu, chuyên gia đã trao đổi, thống nhất về nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết, các đề cương báo cáo số và phân công nhiệm vụ các thành viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát và một số vấn đề liên quan đến triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát.

Các đại biểu đều nhấn mạnh yêu cầu giám sát phải tiến hành phải đúng pháp luật, bảo đảm tính khách quan, trung thực và đúng tiến độ đã đề ra.

Đoàn giám sát cũng đề nghị một số tổ chức có đặc thù về tổ chức và hoạt động theo lĩnh vực như các bệnh viện, các viện trường... có báo cáo chuyên đề về nội dung giám sát.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, giám sát nhằm phát hiện cái hay để phát huy và nhân rộng, đồng thời chỉ ra tồn tại, hạn chế, chưa làm được để tìm giải pháp khắc phục.

Về dự thảo Kế hoạch giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nội dung đối tượng giám sát cần được phân loại, trong đó xác định rõ các cơ quan Đoàn sẽ giám sát trọng tâm; đồng thời, có dự kiến ra một số bộ, địa phương và cơ quan đặc thù.

Theo dự kiến chương trình hoạt động, tại phiên họp thứ 25 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát về nội dung này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn