MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: PV

Quản lý phim chiếu trên không gian mạng, tránh phim vi phạm lan truyền

Phạm Đông - Trần Vương LDO | 23/10/2021 13:11
Đại biểu Quốc hội đề nghị cần kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm đối với hình thức phát hành phim trên không gian mạng. Nếu không quản lý chặt chẽ, tác hại của việc lan truyền những bộ phim vi phạm pháp luật này khá lớn.

Ngày 23.10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Quan tâm đến quy định phổ biến phim trên không gian mạng, ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho biết, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Tuy nhiên, quy định này chưa thật sự chặt chẽ.

Ông Hiếu đề nghị nên chăng cần kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm đối với hình thức phát hành phim trên không gian mạng. Bởi lẽ thực tế vừa qua đã có những bộ phim phát hành xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Nếu không tiền kiểm và hậu kiểm, tác hại của việc lan truyền những bộ phim vi phạm pháp luật này là khá lớn.

ĐBQH Bùi Huyền Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần phải sửa đổi Luật Điện ảnh cho phù hợp với thực tiễn, với các nhóm chính sách và phải bảo đảm cụ thể, khả thi.

Về quy định phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu cho rằng, nên chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để thích ứng với thế giới. Tuy nhiên, thực tế phim trên không gian mạng nhiều khó kiểm soát. Quy định nhà sản xuất tự phân loại, tự đánh giá, tự đưa các cảnh báo thì rất khó kiểm soát, khó quản lý, mất công bằng khi các nhà sản xuất phim chiếu rạp phải xin phép.

Cùng với đó là vấn đề bản quyền, an ninh mạng, nên các nội dung này cần tạo hành lang pháp lý mở hơn với thế giới song cần cân nhắc để có sự kiểm soát của nhà nước nhằm bảo đảm an toàn trên không gian mạng.

Tiếp đó, ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) nhấn mạnh, văn hóa nghệ thuật là phải chú trọng con người. Nếu Việt Nam muốn vươn tầm ra thế giới trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng thì phải thay đổi cách làm.

Ông Tiến lấy ví dụ tại Hàn Quốc, mỗi năm nước này đều đưa các sinh viên ra nước ngoài (các trung tâm điện ảnh thế giới) học hỏi hầu hết các khâu, quy trình sáng tác phim ảnh. So với số tiền đầu tư, họ thu lại rất nhiều. Từ đó văn hóa, điện ảnh Hàn Quốc gần như rất phổ biến và thống lĩnh thị trường thế giới.

Đồng thời, ông cũng đặt câu hỏi tại sao trong thời kỳ chiến tranh, chúng ta có rất nhiều tác phẩm hay sâu sắc, có sức sống trường kỳ với lịch sử như Em bé Hà Nội, Sao Tháng Tám, Vỹ tuyến 17, mà bây giờ lại thiếu vắng các tác phẩm như vậy? Tiếc rằng trong dự án luật, đang thiếu chính sách quan tâm, đầu tư cho con người, mà dường như chỉ nhấn mạnh quản lý nhà nước. Nếu cứ tiếp tục làm theo cách này, liệu có thúc đẩy phát triển được thị trường điện ảnh hay không?

Còn ĐBQH Trần Việt Anh (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự nhất trí với nội dung trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), được nhìn nhận vừa là ngành nghệ thuật vừa là ngành kinh tế trong bối cảnh công nghệ số.

Về vấn đề sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, ông lựa chọn phương án giữ nguyên quy định của luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim. Giữ nguyên quy định của Luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim).

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật điện ảnh sửa đổi chỉ chú trọng đến khâu phát hành phim mà khâu sản xuất còn mờ nhạt, chưa rõ việc huy động nguồn lực xã hội về tài chính, trí tuệ để phát triển điện ảnh hiện đại hay không chưa thấy đề cập. Bởi điện ảnh phát triển sẽ tác động đến các ngành kinh tế khác, nên việc phát triển điện ảnh sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển.

Cùng với đó, đại biểu nói rằng, cần có tiêu chí cụ thể trong việc cấp phép phim, rõ ràng, minh bạch để các nhà sản xuất phim thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn