Sáng 11.7, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục kỳ họp thứ 17 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024), với nội dung chất vấn.
8 phương thức lừa đảo
Đại biểu Đặng Đại Bàng - Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình đặt câu hỏi chất vấn rằng: hiện nay bà con nhân dân rất quan tâm đến vấn đề lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng. Điều này đã gây bức xúc, thiệt hại và lo lắng trong nhân dân.
Trong quý I/2024, Công an tỉnh đã đấu tranh thành công chuyên án hack tài khoản mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bắt giữ 7 đối tượng, tổng các giao dịch trong tài khoản của các đối tượng sử dụng khoảng 8 tỉ đồng.
Tháng 4.2024, Công an huyện Bố Trạch đấu tranh thành công các chuyên án, bước đầu đã xác định các lừa đảo trên mạng xã hội là hack tài khoản và các đối tượng bị hại trên toàn quốc, xác định thiệt hại khoảng hàng trăm triệu đồng.
Ông Bàng đề nghị công an tỉnh cho biết tình hình lừa đảo trực tuyến trên mạng trên địa bàn tỉnh như thế nào; Công an tỉnh đã có những giải pháp gì để khuyến cáo và giúp nhân dân phòng tránh?
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Hữu Hợp - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay, Bộ Công an cũng xác định lừa đảo trên mạng là cấp bách, và có thể nói rằng đây là vấn đề nhức nhối, lừa số tiền lớn mà chúng ta không thu hồi được.
“Chúng tôi đã có những chuyên án dùng biện pháp nghiệp vụ, phối hợp cùng các tỉnh, thành khác để thực hiện, bắt giữ các đối tượng lừa đảo trên mạng này. Đây là một trong những tệ nạn người Việt lừa người Việt nhưng tiền thì người nước ngoài sử dụng” - ông Hợp nói.
Hiện Công an tỉnh liệt kê 8 phương thức lừa đảo xảy ra trên địa bàn tỉnh. Thứ nhất, giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án nhân dân, ngân hàng, hải quan…; Thứ 2, hack vào tài khoản, giả mạo tài khoản Facebook, Zalo, bây giờ còn có AI gọi video; Thứ 3, giả mạo đầu số tin nhắn nhân viên ngân hàng, bảo hiểm xã hội, gửi các tin nhắn liên quan để nhận tiền về, kèm các đường link giả mạo để chiếm quyền điều khiển tài khoản và sẽ rút hết tiền khách hàng.
Thứ 4, kêu gọi đầu tư kiếm tiền qua mạng; Thứ 5, giả mạo cho vay trực tuyến; Thứ 6: mua bán hàng trực tuyến; Thứ 7, giả danh quân nhân, người nước ngoài gửi hàng, gửi vốn đầu tư về Việt Nam; Thứ 8, kêu gọi ủng hộ từ thiện.
Phối hợp từ các ban ngành
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý với tội phạm lừa đảo trực tuyến, Công an tỉnh sẽ tiếp tục: Phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương cùng với lực lượng Công an trong công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Công an các đơn vị, địa phương nắm tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, rà soát, lên danh sách và có biện pháp quản lý nghiệp vụ với các đối tượng, băng, nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao để tập trung lực lượng, biện pháp đấu tranh, triệt phá.
Tăng cường quản lý nhà nước đối với các các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet.
“Đẩy mạnh tuyên truyền trên các cơ quan truyền thông, báo chí; triển khai việc nhận biết, phòng tránh giao dịch nghi ngờ lừa đảo, trực tiếp tại các phòng giao dịch và trực tuyến tại các ứng dụng Internet Banking của Ngân hàng” - ông Hợp nói.
Cũng theo Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, về phía người dân, cần chủ động tìm hiểu, nắm kỹ về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng qua các kênh thông tin tuyên truyền của lực lượng chức năng để chủ động phòng tránh. Đồng thời, chủ động phối hợp, giúp đỡ lực lượng công an trong đấu tranh với loại tội phạm này.