MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại tá Nguyễn Hữu Hợp - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình đưa ra nhiều giải pháp với tình trạng học sinh sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi. Ảnh: Công Sáng

Quảng Bình tìm giải pháp với học sinh sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi

CÔNG SÁNG LDO | 11/07/2024 10:55

Hàng loạt giải pháp được Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình đưa ra nhằm giảm thiểu tình trạng học sinh sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi.

6 tháng với 9 em tử vong

Sáng 11.7, trong buổi chất vấn của kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Quảng Bình hóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Phan Thanh Dũng đặt câu hỏi: hiện tỉnh có nhiều học sinh THPT chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái xe nhưng vẫn sử dụng xe môtô, xe gắn máy đến trường, gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đề nghị Giám đốc Công an tỉnh cho biết, nguyên nhân, trách nhiệm của ngành, giải pháp gì để hạn chế thấp nhất tình trạng nêu trên?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Thanh Dũng, Đại tá Nguyễn Hữu Hợp - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình thông tin, theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, làm tử vong 9 em, bị thương 14 em.

Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 1.150 trường hợp liên quan đến lứa tuổi học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 8.989 phương tiện vi phạm; trong đó, lỗi chưa đủ tuổi điều khiển môtô, xe máy chiếm 70,2%; không đội mũ bảo hiểm chiếm 21,1%; vi phạm nồng độ cồn chiếm 1,7%...

Không có tình trạng đua xe trái phép, tuy nhiên manh nha một số trường hợp thanh thiếu niên, học sinh tụ tập điều khiển xe phóng nhanh, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự an toàn giao thông.

“Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên là do một số bộ phận phụ huynh, người giám hộ thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con cái, vẫn còn tình trạng phụ huynh giao xe cho con em khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa chặt chẽ, hiệu quả” - Đại tá Hợp nói. Đồng thời, ý thức chấp hành pháp luật của các em học sinh còn hạn chế…

Tiếp tục tập trung xử lý

Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã thực hiện các phần việc như: Xây dựng và triển khai các tổ tuần tra kiểm soát chuyên đề đối với học sinh, tập trung xử lý vào các giờ học sinh đến trường, tan trường để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các em sử dụng phương tiện không đúng quy định; tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không trông giữ xe môtô, xe máy của học sinh.

Phối hợp ngành giáo dục và các đơn vị liên quan tổ chức 86 buổi tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho gần 40.000 học sinh và 4.000 giáo viên tại các trường học; tổ chức cho phụ huynh ký hơn 3.000 cam kết không giao xe cho học sinh, con em không đủ điều kiện.

Các đơn vị cũng triển khai xây dựng mới 121 mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”; tổ chức đội tình nguyện hướng dẫn giao thông tại 28 điểm trường phức tạp về trật tự an toàn giao thông.

Qua đó, tình hình trật tự an toàn giao thông nói chung, liên quan đến học sinh nói riêng cơ bản được kiềm chế.

Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình thông tin, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cũng như kỹ năng bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông cho học sinh, phụ huynh; tổ chức cho giáo viên, phụ huynh, học sinh ký cam kết chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông; xây dựng “Cổng trường an toàn giao thông” tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn. Gắn trách nhiệm của nhà trường, giáo viên, học sinh vào công tác thi đua của tập thể, cá nhân và xếp loại hạnh kiểm của học sinh trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhất là tại các khu vực trường học, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn