MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn nhóm vấn đề lao động, thương binh và xã hội. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

PHẠM ĐÔNG LDO | 06/06/2023 06:00

Sáng 6.6, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội  Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời những câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì điều hành phiên chất vấn đầu tiên thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Nội dung chất vấn tập trung vào giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay; giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội;

Công tác quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng… cũng là những nội dung quan trọng nằm trong nhóm vấn đề chất vấn của ngành lao động, thương binh và xã hội.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ sẽ "chia lửa" với Bộ trưởng trong phần chất vấn này.

Báo cáo về vấn đề này trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, trong những tháng đầu năm 2023, thị trường lao động của các nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,2 triệu người trong quý I/2023. Tuy nhiên, tốc độ tăng lực lượng lao động có dấu hiệu chậm lại.

8.644 doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp), trong đó, chiếm 27,4% là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 72,18% doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp gặp khó khăn thuộc ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử,…

Số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người, trong đó, số lao động thôi việc, mất việc làm chiếm 54,79%.

Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Trong đó, 17.003 người bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương. Số lao động chưa qua đào tạo thôi việc, mất việc nhiều nhất, với tỉ lệ 68%.

Tỉ lệ lao động là thợ may, thợ lắp ráp thôi việc, mất việc cao nhất và số lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thôi việc, mất việc nhiều nhất.

Lý giải nguyên nhân thực trạng trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, các doanh nghiệp thiếu đơn hàng là do kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm, đặc biệt là nhu cầu về các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, thiết bị điện tử cá nhân…

Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước gặp tình trạng hàng tồn kho nhiều không xuất được, không có đơn hàng mới. 

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh với các thị trường nước ngoài. Một số thị trường lớn của Việt Nam đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn hàng hóa và có sự thay đổi quan điểm, thị hiếu của người tiêu dùng nên các doanh nghiệp Việt gặp khó khăn để tổ chức, sắp xếp lại hoạt động sản xuất.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vì lý do kinh tế, khó khăn ở việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài.

Doanh nghiệp gặp khó khăn tập trung vào doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn