MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV sáng 15.6. Ảnh: TTXVN

“Quốc hội đã lắng nghe ý kiến nhân dân”

Lâm Anh LDO | 16/06/2018 06:33
Sau 21 ngày làm việc (từ ngày 21.5 đến ngày 15.6.2018), kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV đã chính thức kết thúc với những kết quả đáng ghi nhận trong đó đáng chú ý là những đổi mới lớn trong cách thức thảo luận, chất vấn kiểu “hỏi nhanh đáp gọn” đi thẳng vào vấn đề. 

Đây cũng là kỳ họp thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận khi bàn thảo tới nhiều dự luật khó như Luật An ninh mạng, Luật Đặc khu.

Hỏi nhanh đáp gọn, bàn về nhiều luật khó

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ năm với nhiều nội dung quan trọng khi thông qua 7 luật, cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Quốc hội kỳ này được nhận định là đã bàn về nhiều luật mới, khó, trong đó có dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các tầng lớp nhân dân và cử tri, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời gian thông qua dự luật này từ kỳ họp thứ năm sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự luật này.

Quốc hội đã thông qua 7 nghị quyết, trong đó đáng chú ý là nghị quyết giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1.1.2018 đến ngày 31.12.2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu. Nguồn kinh phí thực hiện do quỹ BHXH bảo đảm.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành chất vấn 4 nhóm vấn đề đối với Bộ trưởng các bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ báo cáo về một số vấn đề liên quan cũng như trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu.

Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn sát thực tế, là những vấn đề kinh tế - xã hội được cử tri và các ĐBQH quan tâm. ĐBQH đặt câu hỏi ngắn gọn, đúng trọng tâm, tích cực tranh luận; thành viên Chính phủ nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn, rõ vấn đề, đưa ra các giải pháp thiết thực để khắc phục những hạn chế, bất cập.

Các ĐBQH tại lễ bế mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV sáng 15.6. Ảnh: TTXVN

Thể hiện tinh thần vì nhân dân

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi đánh giá kỳ họp lần này đã có nhiều thành công, trong đó phiên chất vấn rất có kết quả và thể hiện tinh thần đổi mới và cả người hỏi lẫn người trả lời đã thể hiện được tinh thần vì nhân dân khi trả lời rất thẳng thắn và xử lý được nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội.

Theo ĐBQH này, dù hơi chậm nhưng Chính phủ đã trình tờ trình đề nghị điều chỉnh tiền lương cho những người phụ nữ về hưu từ 1.1.2018 bị thua thiệt so với những người về hưu trước năm 2018 và chỉ trong vòng 20 giờ đã xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và xin ý kiến tất cả các đại biểu đồng ý đưa vào 1 câu trong nghị quyết giao Chính phủ xử lý vấn đề.

“Điều này là một điều rất đổi mới của Quốc hội, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội với cử tri và nhân dân cả nước” - ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cũng đánh giá cao việc lùi thông qua Luật Đặc khu. Ông cho rằng khi chuẩn bị thông qua trong kỳ họp này thì đã phát hiện ra những hạt sạn trong luật mà người dân thấy rằng chưa thoả mãn và Quốc hội đã lắng nghe tiếp thu ý kiến nhân dân.

Cùng quan điểm, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhận xét kỳ họp này đã thành công về công tác luật hoá khi thông qua 7 luật và cho ý kiến 9 luật. Chỉ có 1 luật chưa được thông qua nhưng đó lại là cần thiết bởi dự Luật Đặc khu cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn, lắng nghe một cách nhiều chiều hơn để đưa luật vào cuộc sống.

Đại biểu này cho rằng phần trả lời chất vấn kỳ này tốt hơn so với những kỳ trước. Chính phủ và các bộ trưởng đã nắm rất chắc tình hình và kinh tế xã hội đang phát triển tốt tạo cho các thành viên Chính phủ một niềm tin. Tuy nhiên, ông Ngân cho rằng cũng cần rút kinh nghiệm về quy trình về luật để tạo ra nhiều buổi tranh luận hơn cho rõ vấn đề và với các luật có tính chất đặc biệt cần tổ chức thêm các buổi thảo luận, phản biện trước khi ấn nút thông qua.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam - Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc (giữa) chủ trì họp báo tổng kết kỳ họp ngày 15.6. Ảnh: KH

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời, nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đề nghị Chính phủ chỉ đạo nắm chắc tình hình ở cơ sở, tăng cường công tác vận động quần chúng để không bị lôi kéo, lợi dụng, dẫn đến có hành vi vi phạm pháp luật; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trả lời báo giới về những ý kiến trái chiều quanh Luật An ninh mạng, ông Nguyễn Thanh Hồng - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh - cho biết trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý, Uỷ ban đã hết sức lắng nghe ý kiến cử tri chuyên gia, đại diện một số quốc gia như Mỹ, Australia, Liên minh Châu Âu, Hiệp hội Internet viễn thông, ý kiến các phóng viên trong và ngoài nước để chỉnh lý nhiều vấn đề trong dự thảo luật. Ông nhận định an ninh mạng là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà là thách thức toàn cầu đồng thời khẳng định những lo lắng của người dân và doanh nghiệp về những ảnh hưởng của luật trong việc cung cấp dữ liệu thông tin là không có cơ sở vì luật tạo cơ chế pháp lý bảo vệ quyền hợp pháp của doanh nghiệp và người dân.

Liên quan tới ý kiến lo ngại Facebook và Google có thể rời khỏi Việt Nam, ông Hồng cho biết 2 tập đoàn này chưa có phản hồi chính thức tham gia ý kiến xây dựng luật. Liên quan tới nội dung doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng phải đặt máy chủ ở Việt Nam và lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam tại Việt Nam, ông Hồng khẳng định có 18 quốc gia đưa ra yêu cầu tương tự và đây là yêu cầu bảo vệ quyền hợp pháp của công dân Việt Nam. Theo quy định của Hiến pháp, đây được xem như tài sản của công dân Việt Nam nên phải lưu trữ ở Việt Nam và quy định này không cản trở công nghiệp số 4.0 tại Việt Nam.

Phát biểu trong họp báo tổng kết kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá cao vai trò của báo chí truyền thông trong việc tuyên truyền cho kỳ họp, đồng thời gửi lời chúc mừng Ngày Báo chí cách mạng 21.6.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn