MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quốc hội đang thảo luận về Luật Cạnh tranh: Cơ quan cạnh tranh Quốc gia nên trực thuộc Chính phủ

Đức Thành - Xuân Hải LDO | 15/11/2017 10:54

Sáng nay, 15.11, Quốc hội thảo luận về Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đa phần các đại biểu đều nhất trí rằng cần thiết phải xây dựng Luật Cạnh tranh phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Sau hơn 12 năm Luật Cạnh tranh chính thức đi vào đời sống (2005), sự thay đổi của kinh tế-xã hội, nảy sinh một số vấn đề mới xuất hiện khiến Luật Cạnh tranh trở nên có nhiều hạn chế, bất cập vì không có cơ chế phù hợp. Vì thế việc sửa đổi Luật Cạnh tranh nhằm tăng hiệu quả thực thi, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn là vô cùng cần thiết.

Các đại biểu cho rằng, Luật sửa đổi phải đáp ứng được yêu cầu là tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh tế; các quy định phải được xây dựng theo hướng bảo đảm bao quát được nhiều dạng thức kinh doanh ngày càng phức tạp của doanh nghiệp trên thị trường…

Phạm vi điều chỉnh không chỉ giới hạn hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam mà còn điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam. 

Song, cũng có ý kiến cần xem xét tính khả thi của quy định này, nhất là trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ khác. 

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng: “Đây là một đạo luật khó, trong xây dựng cần có sự tổng kết kỹ về thực tiễn cũng như tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, nhất là những vấn đề, quy định liên quan đến cạnh tranh ngoài lãnh thổ Việt Nam”.

Đại biểu Trần Đăng Ninh (Hòa Bình) đề nghị Luật phải bảo đảm được sự thống nhất, loại trừ các xung đột, mâu thuẫn với các luật chuyên ngành liên quan đến vấn đề cạnh tranh và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, cần quy định chi tiết hơn nữa về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Các đại biểu cũng đề nghị phải xây dựng cơ quan cạnh tranh chuyên nghiệp, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ năng lực và thẩm quyền trong việc xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật. 

Các đại biểu cũng cho rằng cơ quan cạnh tranh nên trực thuộc Chính phủ, thay vì trực cuộc các bộ, ngành như hiện nay. Đại biểu Phạm Tất Thắng nhận định, cơ quan cạnh tranh quốc gia phải có đủ thẩm quyền để thực thi pháp luật về cạnh tranh, thực hiện nhiệm vụ điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, tính minh bạch của các quy định về tố tụng cạnh tranh, bảo đảm quyền và lợi ích của các bên tham gia tố tụng cạnh tranh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn