MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: T.Vương

Quốc hội khoá XIV - dấu ấn về sự đổi mới mạnh mẽ, bám sát thực tiễn

VƯƠNG TRẦN (thực hiện) LDO | 06/01/2021 06:28
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV tiếp tục ghi dấu sự đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tô thắm thêm truyền thống lịch sử 75 năm Quốc hội Việt Nam. Nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng Tuyển cử đầu tiên (6.1.1946 - 6.1.2021), PV Lao Động đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Hạnh Phúc.

? Thưa Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, suốt 75 năm hình thành, kế thừa và phát triển, hoạt động của Quốc hội đã liên tục được đổi mới. Ông có đánh giá như thế nào về những dấu ấn đổi mới trong hoạt động của Quốc hội ở nhiệm kỳ khoá XIV này?

- Có thể nói, nhiệm kỳ khoá XIV, đặc biệt là năm 2020 đánh dấu một năm hoạt động sôi nổi, hiệu quả, có nhiều đổi mới của Quốc hội với số lượng lớn các luật, nghị quyết được ban hành; nhiều nội dung, chính sách quan trọng được xem xét kịp thời, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống; hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề tiếp tục tạo ra những chuyển biến tích cực trong quản lý của Nhà nước cũng như trong đời sống xã hội.

Nhìn một cách khái quát, có thể thấy rằng, nhiệm kỳ khoá XIV, Quốc hội có nhiều nét đổi mới trên cả 3 phương diện, đó là công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Cụ thể, trong công tác lập pháp, nếu như trước kia, chương trình xây dựng pháp luật thường là kế hoạch tổng thể 5 năm thì nay chương trình xây dựng pháp luật được tiến hành từng năm. Việc này sẽ giúp nắm bắt nhiều vấn đề thời sự, cấp bách. Chất lượng xây dựng pháp luật ngày càng được tăng lên. Những vấn đề lớn còn những ý kiến khác nhau đều được đưa ra lấy ý kiến của Đại biểu Quốc hội, có nhiều thảo luận để đưa ra được phương án tốt nhất.

Trong công tác giám sát, chất vấn, tranh luận có nhiều đổi mới. Việc chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện theo cơ chế hỏi nhanh - đáp gọn, tránh dài dòng. Nhiều đại biểu được đăng ký hỏi và có nhiều lượt trả lời. Các đại biểu không những có thể tranh luận với các thành viên Chính phủ mà còn có thể tranh luận với chính các Đại biểu Quốc hội. Chính điều này tạo nên được không khí chất vấn, tranh luận rất sôi nổi tại các kỳ họp Quốc hội. Điều đặc biệt, ở giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ, Quốc hội cũng đã tổ chức chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Quốc hội về giám sát và chất vấn trong nhiệm kỳ khoá XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khoá XIII. Những vấn đề đã được chất vấn, giám sát đi đến cùng, nhận được sự hoan nghênh từ cử tri và nhân dân.

Về việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã rất nhanh chóng, kịp thời đáp ứng các yêu cầu của việc hoàn thiện thể chế, chính sách và đảm bảo phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Những điều này được thấy rất rõ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hay tình hình thiên tai, mưa lũ vừa qua…

Một dấu ấn nữa mà Quốc hội khóa XIV đã làm được là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đầy khó khăn, đã tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA) dưới hình thức trực tuyến, với chủ đề “Ngoại giao Nghị viện vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Điều này đã góp phần khẳng định năng lực và nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

? Nhiệm kỳ khoá XIV cũng đánh dấu việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động của Quốc hội. Việc này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Trong nhiệm kỳ vừa qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Quốc hội được thực hiện một cách mạnh mẽ và việc này mang lại hiệu quả rõ rệt trong hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đại biểu Quốc hội.

Và đặc biệt, năm 2020, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, một lần nữa, những dấu ấn của Quốc hội vì dân tiếp tục được thể hiện đậm nét. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

? Với kết quả đó, Quốc hội sẽ tiếp tục ứng dụng, hoàn thiện quy trình công nghệ, tiến tới xây dựng Quốc hội điện tử trong thời gian tới?

- Đúng vậy! Việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, như tiết kiệm thời gian, không gian đi lại. Đồng thời yêu cầu các đại biểu Quốc hội phải sử dụng công nghệ, nghị trường không cần giấy, góp phần tiết kiệm được ngân sách nhà nước.

Trong hoàn cảnh chúng ta đang trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì việc áp dụng công nghệ thông tin vào trong kỳ họp Quốc hội là cần thiết. Sau mỗi kỳ họp đều được đánh giá hoạt động, rút kinh nghiệm cụ thể trong quá trình tổ chức kỳ họp. Và việc này cũng nhằm để hoạt động của Quốc hội ngày càng tốt hơn, xứng đáng là Quốc hội của dân, do dân và vì dân.

- Xin cảm ơn ông!

Báo chí như cây cầu nối truyền tải hoạt động của Quốc hội đến với đông đảo cử tri, nhân dân

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Trong suốt chiều dài hoạt động đó của Quốc hội, đặc biệt trong những năm vừa qua, báo chí đã có vai trò rất lớn trong việc truyền tải những hình ảnh, hoạt động của Quốc hội. Báo chí như cây cầu nối giữa Quốc hội với cử tri, nhân dân, đưa hình ảnh hoạt động của Nghị trường đến gần với người dân cũng như phản ánh chính xác tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với Nghị trường Quốc hội. Tr.Vương

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn