MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Thắng

Quốc hội làm hết việc chứ không phải làm hết giờ

PHẠM ĐÔNG LDO | 17/08/2022 13:48

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội gợi ý việc mở rộng hơn nữa quyền của đại biểu Quốc hội. Dành quyền linh hoạt cho Chủ tọa và Quốc hội, thực hiện phương châm "Quốc hội làm hết việc chứ không phải làm hết giờ".

Nếu 2 phút hỏi 6 câu thì bộ trưởng "tối tăm mặt mũi"

Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8.2022, sáng 17.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Cơ bản tán thành mục tiêu, quan điểm và phạm vi sửa đổi đã nêu, tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần nhấn mạnh và bám sát quan điểm lớn: Bảo đảm tính đầy đủ trong quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật để tiến hành kỳ họp Quốc hội.

Đồng thời, mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, khoa học, hợp lý và hiệu quả; cùng với đó là thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế; phân định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan hữu quan tại kỳ họp.

Bám sát định hướng đổi mới, phương thức tổ chức để bảo đảm quyền và nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; tiếp tục cải tiến cách thức điều hành, chuyển trọng tâm từ Quốc hội tham luận sang thảo luận và tranh luận.

Toàn cảnh phiên họp.

Về thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chúng ta đã rút ngắn thời gian phát biểu so với thời gian trước đây, do đó, thời gian phát biểu 7 phút là phù hợp, không nên rút ngắn thêm.

Tuy nhiên, dự thảo cũng cần có những quy định để làm sao có nhiều người tham gia phát biểu, nhất là tại những phiên thảo luận về kinh tế-xã hội. Nếu Quốc hội đồng ý, chủ tọa/người điều hành có thể giảm thời gian phát biểu xuống, nếu giảm không dưới 5 phút.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội gợi ý trường hợp, trong quy chế phải xin phép để dành quyền linh hoạt cho chủ tọa và Quốc hội, thực hiện phương châm "Quốc hội làm hết việc chứ không phải làm hết giờ"; qua đó mở rộng hơn nữa quyền của đại biểu Quốc hội.

Giờ làm việc của Quốc hội buổi chiều kết thúc 17h, nhưng nếu còn người phát biểu thì có thể kéo dài đến 18 - 19h, linh hoạt để mở rộng quyền đại biểu

Về ý kiến cho cho rằng, không nên quy định đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút, vì 1 phút khó có thể trình bày đầy đủ lý lẽ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, "thời gian 1 phút có đại biểu còn hỏi được 3 câu cơ mà, nếu 2 phút hỏi 6 câu, thì Bộ trưởng tối tăm mặt mũi".

Nhấn mạnh kỳ họp Quốc hội là phương thức hoạt động quan trọng nhất của Quốc hội, sửa nội quy cần đạt được hai mục tiêu là nâng cao chất lượng, nhưng rút ngắn tối đa thời gian của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội lưu ý những quy định về quyền của đại biểu thì không được hạn chế.

Làm rõ trường hợp nào là tranh luận, trường hợp nào chất vấn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, để bảo đảm quyền của đại biểu trong thể hiện chính kiến của mình, đặc biệt tại các phiên thảo luận trên hội trường, thể hiện trách nhiệm với cử tri nơi ứng cử, cần bảo đảm thời gian cần thiết phát biểu của đại biểu.

“Cần làm rõ trường hợp nào là tranh luận giữa đại biểu với đại biểu, trường hợp đại biểu chất vấn lại khi nhận thấy trả lời của bộ trưởng với chất vấn của đại biểu khác chưa đáp ứng yêu cầu của cử tri, đại biểu”, ông Vũ Hồng Thanh nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể nên giữ 7 phút. Bởi các ý kiến phát biểu của đại biểu có thể bao gồm một hoặc nhiều nhóm vấn đề. Nếu thời gian ngắn quá, đại biểu không đủ thời gian để lập luận.

Đồng thời, Chủ tọa cần có sự linh hoạt, chủ động trong khi theo dõi không khí, đặc điểm từng phiên họp để chất lượng phiên thảo luận hiệu quả.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự thảo xin ý kiến đại biểu chuyên trách và sau đó tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư theo quy trình một kỳ họp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn