MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho biết, Quốc hội sẽ giám sát việc giải ngân 77 triệu USD vốn vay để đổi mới giáo dục. Ảnh: QH

Quốc hội sẽ giám sát việc giải ngân

ĐẶNG CHUNG LDO | 04/12/2019 15:00

16 triệu USD dự kiến chi cho việc thực hiện một bộ sách giáo khoa (SGK) do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì biên soạn. Giữ một số tiền rất lớn nhưng Bộ GDĐT không thực hiện được bộ sách nên dư luận có quyền đòi hỏi phải công khai, minh bạch việc chi tiêu. Theo bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - để làm được việc này, Ủy ban đã đề nghị các cơ quan liên quan phải báo cáo, giải trình trước Quốc hội về số tiền đi vay để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới.

So với nhu cầu, vẫn còn thiếu nhiều tiền

Theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội, việc triển khai một chương trình, nhiều bộ SGK sẽ xóa độc quyền, tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội, môi trường cạnh tranh trong biên soạn, xuất bản SGK. Thực hiện chủ trương này, thời gian qua đã có 5 bộ SGK lớp 1 được phê duyệt, mỗi môn học có nhiều sách, tạo nguồn phong phú cho các cơ sở giáo dục lựa chọn.

Trước đó, để thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới, tháng 1.2017, Bộ GDĐT và Ngân hàng Thế giới (WB) đã khởi động dự án vay 77 triệu USD nhằm nâng cao kết quả học tập của học sinh thông qua việc xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Dự án được Chính phủ phê duyệt, thời gian thực hiện trong vòng 5 năm, từ 2015 - 2020. Điều đáng nói, trong 77 triệu USD vốn vay, có 16 triệu USD dự định chi cho việc Bộ GDĐT huy động nguồn lực, tổ chức viết 1 bộ SGK đảm bảo chất lượng.

Khi dự án làm SGK “phá sản”, thay vì trả lại số tiền 16 triệu USD đi vay, Bộ GDĐT đang đàm phán để tái cấu trúc khoản kinh phí này cho một số hoạt động liên quan đến việc chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) - cho biết, khi thiết kế dự án, các cấu phần đã được tính toán kỹ trong khuôn khổ nguồn vốn vay theo thỏa thuận, nhưng so với nhu cầu còn thiếu nhiều. Nếu không tái cấu trúc mà trả lại thì sau đó vẫn phải dùng ngân sách để chi cho một loạt hoạt động như bồi dưỡng giáo viên, mua sách hỗ trợ đối tượng chính sách… Việc sử dụng số tiền 16 triệu USD này để phân bổ lại trong khuôn khổ bảo đảm mục tiêu của dự án sẽ tốt hơn cho giai đoạn đầu triển khai thực hiện chương trình mới.

Nêu quan điểm về việc này, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng, Bộ GDĐT nên trả lại WB số tiền này. Lý do vì 16 triệu USD là một số tiền rất lớn, tiền đi vay nên trước sau cũng phải trả. Đặc biệt, việc giải ngân phải được thực hiện chi tiết, thông báo công khai, minh bạch để xã hội giám sát.

Bộ GDĐT sẽ phải giải trình về kinh phí viết SGK

Cũng liên quan đến việc sử dụng kinh phí thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau) cho biết, Nghị quyết 88 của Quốc hội nêu rõ kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông do ngân sách nhà nước bảo đảm và huy động từ xã hội. Hằng năm, Bộ GDĐT đều phải có báo cáo Chính phủ và Quốc hội theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước về tiến độ thực hiện dự án, cũng như việc giải ngân số tiền 77 triệu USD vốn vay ODA để thực hiện đổi mới giáo dục.

“Việc sử dụng nguồn vốn vay ODA không phải là đơn giản. Bộ GDĐT nói muốn tái cấu trúc số tiền cũng khó thực hiện được ngay. Phải sử dụng đúng mục đích mới có thể giải ngân được. Nếu không thực hiện làm bộ sách như Nghị quyết đã nêu thì bộ phải trả lại ngân sách vay vốn ODA trước đó về nội dung này. Hoặc nếu xin chuyển mục đích sử dụng thì phải đàm phán với các bên, nhưng Chính phủ phải trình Quốc hội việc thực hiện đề án”- đại biểu Thái Trường Giang cho biết.

Ông cũng khẳng định, trong 2 kỳ họp thứ bảy và thứ tám của Quốc hội khóa XIV diễn ra trong năm 2019, cá nhân ông và nhiều đại biểu chưa nhận được nội dung nào liên quan đến việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng số tiền đi vay để làm SGK, cũng như giải trình của Bộ GDĐT về việc đã sử dụng số tiền đi vay để đổi mới giáo dục ra sao, chi tiêu thế nào.

Trước việc dư luận đang có nhiều ý kiến về số tiền 16 triệu USD để Bộ GDĐT biên soạn SGK, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho biết, Ủy ban đã đề nghị Bộ GDĐT phải báo cáo về vấn đề này tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội vào tháng 5.2020. Trước mắt, Bộ GDĐT sẽ giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiến độ, kinh phí đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cũng như việc biên soạn SGK, trên tinh thần công khai, minh bạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn