MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng

Quốc hội thảo luận luật bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

PHẠM ĐÔNG LDO | 27/10/2023 06:00

Trong phiên làm việc hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 27.10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Theo dự thảo luật, người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được hưởng mức tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.

Các mức hưởng sẽ do HĐND cấp tỉnh quyết định, trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ mà bị thương thì được xét hưởng chính sách như thương binh, nếu hy sinh thì được xét công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.

Nhiều ý kiến băn khoăn về việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có làm tăng biên chế, ngân sách hay không. Số lượng dự kiến của lực lượng này là bao nhiêu người?

Bộ Công an cho hay, tính đến hết tháng 12.2022, cả nước có hơn 84.700 thôn, tổ dân phố. Mức lương cơ sở từ ngày 1.7.2023 đã điều chỉnh tăng lên là 1,8 triệu đồng. Nếu tất cả thôn, tổ dân phố đều thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự, mỗi tổ có 3 người, thì tổng số nhân lực là hơn 254.000 người.

Với số lượng như trên, tổng kinh phí cần có để bảo đảm cho lực lượng hoạt động như dự thảo luật là 3.505 tỉ đồng/năm. Tính trung bình, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần bảo đảm khoảng 55,6 tỉ đồng/năm, tương ứng khoảng 4,6 tỉ đồng/tháng.

Tuy nhiên, do dự thảo luật quy định mỗi tổ bảo vệ an ninh trật tự có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố nên khi triển khai thi hành luật thì tổng số tổ bảo vệ an ninh trật tự có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm theo.

Bộ Công an khẳng định, trước mắt, nếu thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên cơ sở kiện toàn 3 lực lượng (bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó đội dân phòng) thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia, cũng không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn đang chi trả hiện nay.

Về lâu dài, tổng số lượng thôn, tổ dân phố có thể tiếp tục giảm do sáp nhập, các địa phương sẽ có điều kiện tập trung bảo đảm chế độ, chính sách tốt hơn nữa cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết này.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thảo luận về Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn