MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quốc hội thảo luận Luật Đấu thầu, bế mạc kỳ họp thứ 4

PHẠM ĐÔNG LDO | 15/11/2022 06:00
Ngày 15.11, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua một số nghị quyết, đạo luật và bế mạc kỳ họp thứ 4.

Trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 4, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về kéo dài thời thời hạn thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14; quy định về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và nội dung về bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam).

Cuối phiên làm việc buổi chiều, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có báo cáo một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ về dự án luật Đấu thầu (sửa đổi).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế (bao gồm cả hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế) chủ yếu là do những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định tại Nghị định 98, Nghị định 54, Thông tư 14 và Thông tư 15 của Bộ Y tế.

Đối với mua sắm trang thiết bị y tế, Thông tư 14 của Bộ Y tế quy định giá thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng, nếu giá cao hơn thì phải giải trình nguyên nhân.

Theo ông Dũng, quy định này dẫn đến vướng mắc là nếu bắt buộc áp dụng giá gói thầu bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng thì mặc nhiên giá năm sau phải thấp hơn giá năm trước, ngược với quy luật thị trường là giá năm sau thường sẽ cao hơn năm trước và doanh nghiệp kinh doanh phải có lợi nhuận.

"Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp không muốn tham dự thầu", ông Dũng cho hay.

Để giải quyết vướng mắc, ngoài việc sửa đổi nghị định, thông tư trên, dự thảo luật đã bổ sung quy định cho phép hồ sơ mời thầu được đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể trong trường hợp cần mua hàng hóa có chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có vật tư, trang thiết bị y tế.

Bên cạnh đó, dự thảo luật đã có một mục riêng quy định về đấu thầu thuốc, trong đó đã có các quy định đặc thù, riêng biệt áp dụng riêng cho việc mua sắm thuốc chữa bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn