MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề nghị xử lý nghiêm những sai phạm trong thất thoát đầu tư công. Ảnh: TTXVN

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Phải chống được thất thoát trong đầu tư công

Xuân Hùng - Cao Nguyên LDO | 27/10/2018 07:01
Ngày 26.10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. 

Các đại biểu đều bày sự phấn khởi tin tưởng trước thành quả đã đạt được nhưng cũng băn khoăn trước nhiều vấn đề, trong đó có đầu tư công, nạn tín dụng đen và đời sống đồng bào dân tộc miền núi.  

Ấn tượng với những kết quả

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, các ĐBQH bày tỏ sự ấn tượng, tự hào, tin tưởng với các con số đạt được. Theo ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), với 12 chỉ tiêu, chúng ta đã vượt 8, đạt chỉ tiêu 4. “Cử tri nhân dân đều rất phấn khởi trước những thành công lớn của đất nước. Đó là những con số đầy ấn tượng, hứa hẹn” - ĐB Trí cho hay. 

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) thẳng thắn, cử tri vui mừng phấn khởi trước những bước phát triển của đất nước, đồng thời trân trọng, biết ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mặc dù bận rộn nhiều công việc nhưng có mặt kịp thời với bà con khi thiên tai bão lũ. Kịp thời thăm hỏi, động viên, đối thoại với cử tri khi khó khăn. Cảm nhận về một Chính phủ gần dân, thương dân, trọng dân đang có sức lan tỏa trong lòng cử tri cả nước. Đó là những điểm sáng, điểm mừng mà qua tiếp xúc cử tri đại biểu Quốc hội ghi nhận.

Theo ĐB Trần Trí Quang (Đồng Tháp), nhân dân, cử tri đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương. Còn ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) thì cho hay, cử tri đặc biệt tin tưởng, đồng lòng ủng hộ sự quyết liệt chưa từng có trong đấu tranh phòng, chống, xử lý tham nhũng không có vùng cấm, trong cải cách bộ máy, tinh giản biên chế của cả hệ thống chính trị, góp phần quan trọng cho phát triển. Bên cạnh đó, theo ĐB Đinh Duy Vượt: “Nhân dân đánh giá cao những đổi mới thiết thực, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội.

Hầu hết các ĐBQH phát biểu tại hội trường sáng nay đều có nhận định, xúc cảm tương tự.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Sơn Tùng

Nhức nhối với thất thoát đầu tư công

Vấn đề lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong đầu tư công đã được nhiều ĐB phản ánh thẳng thắn. ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, nếu đầu nhiệm kỳ có 12 công trình chậm, gây thất thoát ngân sách nhà nước thì hiện nay tình trạng này vẫn tiếp diễn và có thêm nhiều công trình, dự án đầu tư vốn ngân sách nhưng thực hiện chất lượng. 

Ông dẫn chứng hàng loạt dự án như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỉ đồng vừa mưa vài trận đã hỏng; dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh đội vốn hơn 18.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành 2013 nhưng đã quá 6 năm vẫn chưa vận hành. Ngoài ra, dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM) cũng đội vốn hơn 47.320 tỉ, tăng 273%,... 

“Tình trạng điều chỉnh vốn như vậy, thời gian kéo dài, thất thoát lãng phí là điều có thể xảy ra. Cử tri đòi hỏi Chính phủ xử lý nghiêm những sai phạm này” - ông  Cầu nói.

Một cách khái quát, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho hay, thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng phân bổ vốn cho các công trình, dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, phân bổ vốn cho công trình, dự án khi chưa xác định nguồn vốn, tổng mức đầu tư, phân bổ vốn đầu tư công chậm gây lãng phí nguồn lực cho đất nước trong khi ngân sách nhà nước cho đầu tư công còn hạn hẹp.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) thẳng thắn cho rằng: “Tình trạng thất thoát lãng phí, tham nhũng và tiêu cực trong việc chi tiêu, quản lý nguồn lực công này đều đã được các báo cáo của kiểm toán, thanh tra, giám sát của các cơ quan hữu quan đã nêu rất rõ điều này.

Từ đó, ĐB đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong tất cả các khâu quản lý, sử dụng nguồn lực tài sản công, nhất là ngân sách nhà nước và đầu tư công.

Bất cập chính sách phát triển khu vực miền núi

Trước tình trạng tổng số đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,6% dân số cả nước nhưng tổng số hộ nghèo chiếm 52,7%, nhiều đại biểu cho rằng, nhiều nơi giảm nghèo theo phong trào, chạy theo thành tích nên thiếu tính bền vững, tỉ lệ tái nghèo lại rất phổ biến. ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hoà) cho rằng, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong các vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai còn cao. Chính phủ nên rà soát lại các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi để khắc phục tính ngắn hạn, thiếu chiến lược, thiếu khả thi, không tạo ra nguồn lực phát triển, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững như báo cáo Chính phủ đã nêu.

Là cán bộ vùng đồng bào Tây Nguyên, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng cho rằng, tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc ít người còn cao. Thu nhập bình quân các hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2,5 mức thu nhập bình quân cả nước, vẫn còn 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo. Cũng theo ông Vượt, hiện còn 221.754 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, trong đó Tây Nguyên là 15.846 hộ và 80.960 hộ thiếu đất ở, trong đó Tây Nguyên là 32.000 hộ. Không gian sinh tồn, không gian bảo tồn văn hóa cho các dân tộc, buôn làng, cộng đồng dân tộc ngày càng bị thu hẹp và phá vỡ.

Nhức nhối nạn tín dụng đen

Theo ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai), tình trạng tín dụng đen bủa vây hoành hành, nhất là những người yếu thế. Tình trạng mất cả tư liệu sản xuất, mất đất, mất nhà, đẩy gia đình vào nghèo đói, tan cửa nát nhà, trở thành hoàn cảnh chị Dậu mới. Tín dụng đen hoành hành phản ánh nhiều bất cập trong xã hội, trong các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở, cử tri kiến nghị các bộ, ngành cần quyết liệt chỉ đạo hơn nữa để đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn