MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh sửa đổi

Nhóm PV LDO | 15/06/2022 16:05

Với 467 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 93,78%), trong đó có 449 đại biểu tán thành (chiếm 90,16%), có 14 đại biểu không tán thành (chiếm 2,81%), Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh sửa đổi.

Chiều 15.6, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật điện ảnh (sửa đổi) với 467 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 93,78%), trong đó có 449 đại biểu tán thành (chiếm 90,16%), có 14 đại biểu không tán thành (chiếm 2,81%) và 4 đại biểu không biểu quyết (chiếm 0,80%).

Trước đó, Quốc hội cũng biểu quyết thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; có 469 đại biểu tham gia biểu quyết, chiếm 94,18%, trong đó có 389 đại biểu tán thành, chiếm 78,11% và 74 đại biểu không tán thành, chiếm 14,86%; 6 đại biểu không tham gia biểu quyết chiếm 1,20%. Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý bổ sung chính sách nhà nước đầu tư cho sáng tác kịch bản phim vào điểm b khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật - sau khi có ý kiến của nhiều đại biểu đề nghị bổ sung chính sách nhà nước, đầu tư cho sáng tác kịch bản phim. 

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ảnh: QH

Về việc xây dựng trường quay hiện đại, ông Vinh cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình cụ thể về lý do, sự cần thiết của việc xây dựng trường quay.

Song, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến đại biểu, xin được quy định tại dự thảo luật theo hướng, trong từng trường hợp cụ thể, nhà nước có thể đầu tư hoặc hỗ trợ, đồng thời khuyến khích xã hội hóa xây dựng trường quay, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy, quyền tác giả của các thành viên trong đoàn làm phim, việc mua bảo hiểm cho diễn viên đóng thế, nhân viên đoàn làm phim đã được quy định, thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo hiểm xã hội và pháp luật khác có liên quan; vấn đề về thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Do vậy, đề nghị không quy định trong Luật Điện ảnh để phù hợp với nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trước ý kiến của nhiều đại biểu đề nghị "không nên quy định UBND cấp tỉnh cấp giấy phép phân loại phim phổ biến trên địa bàn quản lý, chỉ nên thành lập cơ quan chung có thẩm quyền cấp phép phân loại phim toàn quốc nhằm thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện".

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xu hướng số lượng phim cần phân loại sẽ tăng cao trong thời gian tới, gây áp lực về thời gian cho các Hội đồng thẩm định, phân loại phim của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát sinh nhu cầu về phân cấp cấp Giấy phép phân loại phim. 

Tuy nhiên, việc phân cấp cấp Giấy phép phân loại phim cần được thực hiện thận trọng, căn cứ vào điều kiện, năng lực của các địa phương, để bảo đảm yêu cầu, chất lượng của công tác thẩm định, phân loại phim.

Trên tinh thần đó và tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim khi đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quy định Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp có giá trị trong toàn quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn