MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VPQH

Quốc hội xem xét chính sách đặc thù cho các chương trình mục tiêu quốc gia

PHẠM ĐÔNG LDO | 16/01/2024 06:00

Trong ngày làm việc hôm nay (16.1), các đại biểu Quốc hội sẽ nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 16.1, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về 2 nội dung trên. Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về 2 nội dung này.

Theo Văn phòng Quốc hội, trước đó, triển khai thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương khảo sát nhu cầu, xây dựng, đề xuất nội dung cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo báo cáo, có 52 địa phương báo cáo về nhu cầu thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình.

Trong đó, có nhiều địa phương không đề xuất cơ chế thí điểm với các lý do như công tác phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm tại các cấp đã cơ bản hoàn thành, không phát sinh vướng mắc khó khăn.

Nhiều địa phương đã lựa chọn phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục dự án đầu tư công. Cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cơ bản đã hoàn thành, vận hành ổn định. Nếu thực hiện cơ chế thí điểm, địa phương sẽ mất thêm thời gian cho việc ban hành thể chế, trong khi thời gian thực hiện chỉ còn 2 năm.

Có 3 địa phương (bao gồm các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang và Lào Cai) đề xuất thực hiện cơ chế thí điểm tập trung vào hai cơ chế: Địa phương được điều chỉnh vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia cho nhau; Địa phương được điều chỉnh từ vốn sự nghiệp sang vốn đầu tư.

Qua theo dõi giám sát, đánh giá, năm 2023, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã giải ngân được khoảng 28.180 tỉ đồng vốn của 03 chương trình mục tiêu quốc gia (đã bao gồm vốn năm 2022 được kéo dài sang năm 2023), đạt 43% kế hoạch, trong đó: vốn đầu tư phát triển đạt 59%; vốn sự nghiệp đạt khoảng 23%.

Việc chậm giải ngân vốn do nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan. Trong đó, việc xác định, dự báo đối tượng thụ hưởng, xây dựng cơ chế phân bổ, sử dụng chưa được tính toán kỹ lưỡng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc không còn đối tượng để thực hiện dự toán chi, chưa giải ngân được kinh phí thường xuyên được giao.

Nhiều địa phương kiến nghị các cơ quan Trung ương cho phép các địa phương được điều chỉnh linh động phần kinh phí không còn đối tượng chi, hoặc thực hiện không có hiệu quả để tập trung vốn thực hiện các nội dung, hoạt động, dự án có hiệu quả.

Từ đó, Chính phủ đề xuất 2 phương án để giải quyết vấn đề.

Phương án 1: Chưa thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong giai đoạn 2024-2025; quy định nguyên tắc thực hiện cơ chế thí điểm áp dụng cho quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030.

Phương án 2: Thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp áp dụng trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn