MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu hoạch nông sản ở ĐBSCL (ảnh: P.V)

Quốc tế cam kết ủng hộ Việt Nam thích ứng biến đổi khí hậu

NHẬT HỒ - TRẦN LƯU LDO | 27/09/2017 14:27
Trong khuôn khổ Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), các đại biểu quốc tế đã đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong giải quyết các thách thức đang đặt ra.

Đặc biệt là đề xuất của Bộ KHĐT trong việc xây dựng cách tiếp cận tổng thể chiến lược, tránh sự trùng lặp, đảm bảo nguồn lực triển khai hiệu quả cho ĐBSCL phát triển.

Trên cơ sở đó, Việt Nam cần tiếp cận tài chính hài hòa giữa công và tư, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Song song đó là phát triển, xây dựng các giải pháp, tăng cường sự hiểu biết về rủi ro.

Trong công tác phát huy sáng tạo, tiềm năng, cần sự hỗ trợ nhóm kinh tế công và tư mà ở đó, nhóm tư nhân đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, cần thực thi, lập kế hoạch tài chính với cách tiếp cận đa ngành, nhất là hướng đến những người dễ bị tổn thương. Tăng cường truyền thông đại chúng để người dân hiểu rõ những quyết sách trên cơ sở “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra”. Người dân có vai trò rất quan trọng trong câu chuyện BĐKH, đây là nền tảng mạnh mẽ đẩy mạnh sự tham gia của người dân.

Đại sứ CH Liên Bang Đức tại Việt Nam đánh giá cao việc thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, điều này sẽ tránh trùng lặp trong triển khai các chính sách, dự án. Quan trọng nhất là tạo ra sự thống nhất trong chỉ đạo và hành động.

Đại sứ Úc tại Việt Nam nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai quốc gia trong nhiều năm qua và khẳng định, sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam trong câu chuyện thích ứng BĐKH. Đến nay, Úc đã “rót” cho ĐBSCL 513 triệu USD không chỉ viện trợ mà còn thông qua nhiều dự án đầu tư khác.  

Cuối năm nay, khi công trình hữu nghị Việt - Úc cầu Cao Lãnh hoàn thành không chỉ thúc đẩy kết nối giao thương mà còn bật dậy sự phát triển kinh tế cho vùng với hàng triệu người được chia sẻ lợi ích.

Trong vấn đề an ninh nguồn nước trên dòng Mekông, đòi hỏi cộng đồng phải có nỗ lực chung, chia sẻ kiến thức cùng nhau, Ủy hội sông Mêkông cần hỗ trợ quản lý nguồn nước một cách minh bạch. Úc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu những ảnh hưởng từ thủy điện đối với hạ nguồn, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng nông nghiệp giúp ĐBSCL phát triển.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam cho biết: ĐBSCL là bộ phận không thể thiếu trong tiểu vùng Mêkông, giai đoạn 2016-2030 đã ký thỏa thuận với Việt Nam trong tài trợ các dự án và cả trong lĩnh vực sáng tạo, tri thức, trở thành chất xúc tác giúp huy động các nguồn lực tư nhân đầu tư cho sự phát triển. Ngân hàng Châu Á cam kết sẽ có gói hỗ cho Việt Nam thông qua các dự án công trình và phi công trình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn