MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Era Dabla-Norris. Ảnh: TTXVN

Quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam

Khánh Minh LDO | 05/10/2022 09:04
Những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2022 và các năm trước, trong đó có những thay đổi về mặt cấu trúc nền kinh tế, được thế giới đánh giá cao.

IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 từ 7-7,5%

Chiều 3.10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của các nước hội viên đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Trao đổi về tình hình kinh tế Việt Nam, Thủ tướng cho biết, cùng với việc tiếp tục kiểm soát dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam hiện duy trì ổn định và hồi phục tích cực. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, kinh tế tăng trưởng đều trên cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Lạm phát được kiểm soát ở mức 2,73%. Chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh phù hợp tình hình; uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên.

Thủ tướng cho biết, công tác điều hành của Chính phủ Việt Nam đang được tiến hành một cách chủ động, chắc chắn, linh hoạt, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam và yêu cầu thực tiễn; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, lo sợ trước tình hình, kiên quyết không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, một tác động nhỏ bên ngoài có thể tác động lớn tới bên trong. Do đó, Thủ tướng đề nghị IMF ưu tiên hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử…

Bà Era Dabla-Norris chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì những thành quả phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022 và các năm trước, trong đó có những thay đổi về mặt cấu trúc nền kinh tế rất đáng ngưỡng mộ. Theo bà Trưởng đoàn giám sát, năm 2021 và năm 2022, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thành công so với nhiều nước khác nhờ những giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả của Chính phủ, những nền tảng và bệ đỡ có được từ trước đại dịch.

Bà đánh giá cao các chính sách tiền tệ, tài khóa của Việt Nam, trong đó có chính sách hỗ trợ về thuế, phí để giảm bớt gánh nặng trên vai các hộ gia đình và các doanh nghiệp; Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp đã đưa ra nhiều quy định mới tích cực.

Việc các công cụ chính sách được kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa là lý do giúp Chính phủ kiểm soát được lạm phát; đồng thời, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam được triển khai một cách chắc chắn.

IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ khoảng 7-7,5%; lạm phát trung bình thấp hơn so với mục tiêu 4% và thấp so với các nước trên thế giới và khu vực; các hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi mạnh mẽ và rộng khắp. 

"Đây là điều chúng tôi không quan sát được ở các nền kinh tế khác, ví dụ, nhiều nước tăng trưởng tốt nhưng lạm phát rất cao. Chúng ta có thể thấy các tin xấu đến hằng ngày nhưng với Việt Nam thì chúng ta có căn cứ để tin tưởng rằng nhìn chung bức tranh kinh tế là tích cực bất chấp các cú sốc bên ngoài. Nếu thực hiện tốt các giải pháp thì Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua năm 2023 rất khó khăn và hướng tới năm 2024 một cách tích cực hơn nữa. Các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn chắc chắn và các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào Việt Nam" - đại diện IMF phát biểu.

"Trong hai thập kỷ qua, điều khiến chúng tôi ngưỡng mộ nhất về đất nước và con người Việt Nam là sự quyết tâm và kiên định với mục tiêu của mình; chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua được đoạn đường gập ghềnh thời gian tới để thực hiện được các mục tiêu trong trung và dài hạn" - bà nói.

Đại diện IMF đưa ra nhiều khuyến nghị với Việt Nam, trong đó cần phối hợp các chính sách vĩ mô một cách cẩn trọng, đồng bộ, thống nhất, nhất quán và làm tốt công tác truyền thông chính sách để quản lý rủi ro, giảm nhẹ tác động của các lựa chọn chính sách; triển khai tốt chương trình phục hồi và phát triển…

Nền kinh tế với “động cơ tên lửa đẩy”

Việt Nam được quốc tế đánh giá là ví dụ điển hình cho các quốc gia đang phát triển khác sớm trở thành những nền kinh tế với “động cơ tên lửa đẩy”. Nhiều chuyên gia, định chế tài chính tin tưởng, Việt Nam có thể lọt top 20-30 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thập kỷ này.

Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) - tổ chức có trụ sở tại London, Anh - Việt Nam sẽ lọt vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2036. Tính từ năm 2021 đến năm 2036 (15 năm) Việt Nam thăng 21 hạng từ hạng 41 lên hạng 20 thế giới, còn nếu tính từ 2006 (30 năm) Việt Nam thăng 36 hạng từ hạng 56 lên hạng 20 thế giới.

Hồi tháng 6 năm nay, trong chuyến thăm Vương quốc Anh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Tọa đàm cấp cao Việt Nam - Anh về kinh tế và thương mại và tại đây, ý kiến tương tự cũng đã được đề cập. Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế Anh Anne Marie Trevelyan, Việt Nam là một trong những nền kinh tế đầy hứng khởi trên thế giới và với “động cơ tên lửa đẩy”, Việt Nam sẽ lọt top 30 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vào cuối thập kỷ này. Theo bà Trevelyan, Việt Nam thu hút ngày càng nhiều đầu tư nước ngoài với ngày càng nhiều công ty mang tầm toàn cầu, đồng thời có danh tiếng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hàng đầu khu vực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn