MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm chỉ đề dành chi cho người lao động

Phạm Đông LDO | 22/03/2022 11:38

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng vẫn nên giữ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm để chia sẻ với người đóng, mua bảo hiểm. Nếu lo về gánh nặng cho doanh nghiệp thì có thể giảm xuống từ 6-10 lần nhưng cần phải duy trì quỹ. Mục đích quỹ này chỉ chi cho người lao động chứ không dùng cho việc khác.

Cần quy định về bảo hiểm vi mô

Sáng 22.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 9, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đây là dự án luật đã được Quốc hội khóa XV thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện nay còn 2 vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mặc dù nhiều ý kiến đồng tình với việc quy định về bảo hiểm vi mô tại dự thảo luật để có căn cứ pháp lý trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm tới các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao.

Tiếp đó, loại ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định bảo hiểm vi mô tại dự thảo luật vì bảo hiểm vi mô có tính chất tương hỗ, an sinh xã hội, phi lợi nhuận, trong khi phạm vi của luật có tính chất kinh doanh.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2. Tuy nhiên, để bảo đảm kết cấu chung của dự thảo luật cũng như tính khả thi, đề nghị chỉ quy định nguyên tắc triển khai, đối tượng được triển khai bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, sau gần 12 năm trích nộp, quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng.

Bên cạnh đó, theo luật hiện hành cũng đã có quỹ dự trữ bắt buộc, có cùng mục đích hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

"Việc duy trì đồng thời cả 2 quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm” - ông Thanh nêu quan điểm.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị dừng trích nộp quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của quỹ đúng mục đích ban đầu khi thành lập quỹ.

Toàn cảnh phiên họp sáng 22.3.

Nếu không có quỹ, không có công cụ can thiệp khi xảy ra vấn đề

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu quan điểm Bộ Tài chính muốn giữ quỹ này. Hiện quỹ này còn 1.000 tỉ đồng, nhưng không chi lần nào từ khi lập tới nay. Hiện tại mức trích nộp của quỹ này là 0.3%, nếu lo về gánh nặng cho doanh nghiệp thì có thể giảm xuống từ 6-10 lần nhưng cần phải duy trì quỹ và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Theo ông Phớc, chúng ta không thể đảm bảo 100% các công ty bảo hiểm không gặp vấn đề như vỡ nợ hay vấn đề bất thường khác. Nếu không có quỹ này thì nhà nước sẽ không có công cụ nào để can thiệp vào khi xảy ra vấn đề. Ông Phớc dẫn ví dụ về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động trong dịch COVID-19 vừa qua. Từ đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc duy trì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là cần thiết để chia sẻ với người đóng, mua bảo hiểm.

“Vì mục đích quỹ này chỉ chi cho người lao động chứ không dùng cho việc khác. Chúng tôi nghĩ cần phải duy trì quỹ này. Chúng tôi nêu ý kiến như vậy để Thường vụ Quốc hội xem xét”, ông Phớc nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn