MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp).

Quy định 41 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ: Nhân văn và nhiều điểm mới

VƯƠNG TRẦN LDO | 10/11/2021 06:19
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định nêu nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Trao đổi với Lao Động, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định mới đã có kế thừa nhiều bài học kinh nghiệm, cụ thể hoá nhiều tiêu chí để xem xét, đánh giá trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Đồng thời, quy định này cũng mở đường để từng bước hình thành văn hoá từ chức đối với cán bộ mắc khuyết điểm.

Cán bộ có nhiều phiếu tín nhiệm thấp sẽ phải xem xét miễn nhiệm, từ chức

Quy định nêu rõ kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm. Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định thì có thẩm quyền xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức.

Một điểm mới khác được nêu trong Quy định 41-QĐ/TW về  căn cứ để xem xét miễn nhiệm đó là cán bộ có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; căn cứ để cán bộ từ chức đó là có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định... Nói về việc này, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, tại Quy định 41 của Bộ Chính trị đã  đã định lượng hoá cụ thể về sự tín nhiệm, uy tín của cán bộ. Cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều sẽ phải xem xét miễn nhiệm hay từ chức. 

Theo đại biểu Hoà, chúng ta yêu cầu cán bộ phải có năng lực, phẩm chất uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Vậy đến khi không còn được tín nhiệm, tín nhiệm thấp thì cũng là một căn cứ để xem xét miễn nhiệm, từ chức. Cùng với đó với đó, đại biểu Hoà cho rằng với những điểm mới của Quy định 41 mới đây sẽ dần từng bước tạo nên sự chuyển biến trong văn hoá từ chức với cán bộ khi mắc khuyết điểm.

“Cán bộ mắc khuyết điểm dẫn tới uy tín, danh dự bị suy giảm, có thể chưa đến mức bị miễn nhiệm nhưng có thể xin từ chức. Việc này cũng đã trở thành thông lệ ở một số quốc gia trên thế giới” - đại biểu Hoà nói.

Cùng trao đổi với PV Lao Động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) cho hay, quy định này cũng có kế thừa những kinh nghiệm quốc tế liên quan tới những vấn đề về cán bộ, về thể chế, về quản trị cán bộ, quản trị con người, cụ thể hoá những tư duy, quan điểm mới của Đảng về công tác cán bộ, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quy định cũng nhằm tạo ra được những thay đổi nhận thức trong việc đánh giá cán bộ. Mục đích cuối cùng là tăng cường trách nhiệm cán bộ, để lựa chọn cán bộ, để rèn luyện cán bộ theo những yêu cầu về năng lực, phẩm chất đáp ứng với tình hình mới.

Vị đại biểu đoàn Hải Phòng cũng nêu thực tiễn, trước kia có tình trạng cán bộ mắc sai phạm đến mức phải kỷ luật, miễn nhiệm thì đương sự đôi khi lại làm đơn từ chức để giảm bớt khuyết điểm của mình. Tuy nhiên, trong Quy định 41 mới đây đã xác định rất rõ, những trường hợp đã xác định miễn nhiệm không được từ chức. Đó chính là lấp những lỗ hổng, những khoảng trống để cán bộ có vi phạm lợi dụng. 

Từng bước, mở đường cho văn hoá từ chức

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng cho rằng, với việc ban hành quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ này có thể mở đường để từng bước hình thành văn hoá từ chức đối với cán bộ mắc khuyết điểm. Và việc từ chức cũng cần được nhìn nhận một cách thoáng hơn trong chính các cơ quan, đơn vị và trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận ở khía cạnh nhân văn với việc từ chức. Khi cán bộ nhận thấy khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm và có những cống hiến vươn lên thì cũng cần được ghi nhận một cách xứng đáng. Điều này sẽ giúp cán bộ khi mắc khuyết điểm sẽ không “ngoan cố” tới cùng, không cố “giữ ghế” tới cùng.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, ở quy định 41 đã nêu những tiêu chí để nhận diện những cơ sở để xem xét miễn nhiệm, từ chức, thời hạn miễn nhiệm, điều kiện miễn nhiệm… Tuy nhiên, để hiểu từng tiêu chí như thế nào vẫn cần có một hướng dẫn chi tiết, hướng dẫn thực hiện để các đơn vị áp dụng một cách thống nhất, đồng bộ. 

Phân tích thêm về những điểm mới của Quy định 41, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cho hay, qua công tác tổng kết vừa qua cho thấy, một số cán bộ thôi chức chủ yếu là thôi giữ một chức vụ cụ thể để nhận nhiệm vụ mới cao hơn, chứ không phải cho thôi chức vì cán bộ mắc khuyết điểm, sai phạm này kia. Vì vậy, Quy định mới của Bộ Chính trị đã bỏ quy định liên quan tới cho thôi chức mà tập trung vào miễn nhiệm và từ chức.

“Khi cán bộ mắc khuyết điểm chưa đến mức phải kỷ luật nhưng uy tín giảm sút thì xem xét miễn nhiệm cán bộ, không đợi đến tuổi nghỉ hưu và cũng không đợi hết nhiệm kỳ, cũng không đợi kỷ luật.  Còn việc từ chức là khuyến khích cán bộ từ chức khi thấy bản thân liên đới trách nhiệm khi để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng... Đảng sẽ tạo điều kiện cho cán bộ từ chức để đảm bảo linh hoạt hơn trong quá trình giải quyết đối với cán bộ” - ông Nguyễn Đức Hà trao đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn