MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quy định chặt chẽ trong luật với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh

Nhóm phóng viên LDO | 27/06/2024 19:01

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, cần quy định chặt chẽ trong luật để trở thành quy định cụ thể, đảm bảo phòng cháy chữa cháy hiệu quả.

Chiều 27.6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, dự thảo luật yêu cầu ngoài điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở thì phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở và khu vực kinh doanh.

“Nhưng theo tôi cần bổ sung thêm 1 khoản quy định điều kiện phòng cháy cao hơn đối với các đô thị có mật độ dân cư cao để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, nhất là thiệt hại về người” - đại biểu đề xuất.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: Quốc hội

Theo đại biểu, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả thương tâm do quá trình đô thị hóa, nhu cầu nhà ở và kinh doanh, đã bỏ qua các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho biết, đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản mà nguyên nhân chính xuất phát từ ý thức của người dân trong công tác phòng cháy và chữa cháy tại chính ngôi nhà của mình. Trong đó có nhiều vụ cháy xảy ra trong đêm, khi cả gia đình đang ngủ hoặc không có người lớn ở nhà, nếu được cảnh báo kịp thời thì có thể đã không xảy ra.

Vì vậy, đại biểu cho biết, bên cạnh nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, khuyến nghị dự thảo quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người dân phải lắp đặt các phương tiện, thiết bị báo động chữa cháy trong nhà, như thiết bị báo cháy, báo khói; khuyến khích lắp đặt thiết bị chữa cháy tự động hoặc có thể kích hoạt từ xa thông qua các thiết bị điều khiển thông minh.

Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu, khuyến khích người dân chia sẻ dữ liệu từ các thiết bị báo cháy gia đình lên hệ thống dữ liệu chung của cơ quan chức năng để làm tốt công tác cảnh báo, kịp thời chữa cháy hiệu quả, không để đám cháy lan rộng.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn ĐBQH TP Cần Thơ) cho biết, trong thực tế, đặc biệt là trong các khu đô thị, có một loại hình kinh doanh gắn kết hoạt động giữa khu ở với khu kinh doanh.

“Vì vậy, quy định trong dự thảo luật là rất cần thiết mang tính chất thể chế hóa, yêu cầu khách quan trong giai đoạn hiện nay. Cần phải quy định rất chặt chẽ để giúp các hộ kinh doanh khi thực hiện các hoạt động kinh doanh phải hiểu rõ quy định này; phải được áp dụng một cách cụ thể trong quá trình triển khai” - đại biểu góp ý.

Đại biểu cho biết thêm, ý thức của các chủ hộ kinh doanh rất quan trọng. Đặc biệt, khi xảy ra hỏa hoạn, lối thoát hiểm đóng vai trò rất quan trọng trong việc cứu người.

“Nên việc này cần rà soát và quy định chặt chẽ trong luật để trở thành quy định cụ thể, khi đảm bảo phương án lối thoát hiểm thì mới tính toán đến phương án kinh doanh” - đại biểu đề xuất.

Đại biểu đề nghị chính quyền cùng ngành công an rà soát tổng thể, đánh giá hiện trạng những hộ kinh doanh nào đủ điều kiện; hộ nào không đủ điều kiện trong công tác phòng cháy chữa cháy thì bắt buộc phải chuyển đổi hình thức kinh doanh để đảm bảo trong thời gian tới không diễn ra trường hợp đáng tiếc như thời gian qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn