MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: quochoi.vn

Quy định về phiếu hợp lệ và không hợp lệ trong bầu cử đại biểu Quốc hội

Phạm Đông LDO | 05/05/2021 17:23
Trong bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, phiếu gạch xóa họ, tên của tất cả những người ứng cử; phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác được coi là không hợp lệ.

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tổ bầu cử có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cử tri cách thức bỏ phiếu để bảo đảm phiếu bầu cử hợp lệ. Những hướng dẫn này được thực hiện theo Thông tư số 01/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ và hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Về nguyên tắc, những phiếu bầu cử không hợp lệ là:

- Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra.

- Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử.

- Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.

- Phiếu gạch xóa họ, tên của tất cả những người ứng cử; phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.

Trong quá trình kiểm phiếu, nếu phát hiệu có phiếu bầu cử được cho là không hợp lệ thì Tổ trưởng Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ xem xét, quyết định. Tổ bầu cử không được gạch xóa hoặc sửa các tên, nội dung ghi trên phiếu bầu.

Phiếu bầu cử hợp lệ là phiếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Phiếu theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra.

- Phiếu có đóng dấu của Tổ bầu cử.

- Phiếu bầu đủ hoặc ít hơn số lượng đại biểu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.

- Phiếu không ghi thêm tên người khác ngoài danh sách những người ứng cử hoặc ghi thêm nội dung khác.

Nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang giữa cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn, gạch chéo, gạch dưới, gạch trên hàng họ và tên người ứng cử; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không được bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không được để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.

Trường hợp người ứng cử có hai tên (tên khai sinh, tên thường gọi) hoặc có chức vị, pháp danh, pháp hiệu theo tôn giáo, nếu cử tri không tín nhiệm người này, thì cần hướng dẫn cho cử tri gạch tất cả tên khai sinh, tên thường gọi hoặc chức vị, pháp danh, pháp hiệu tôn giáo của ứng cử viên đó. Nếu cử tri chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc tên thường gọi; chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc một dòng chức vị, pháp danh, pháp hiệu (chức sắc tôn giáo) thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.

Việc kiểm phiếu bầu cho từng người ứng cử chỉ thực hiện đối với những phiếu hợp lệ. Các phiếu bầu hợp lệ được xếp thành các loại, gồm: Loại phiếu bầu 1 đại biểu; loại phiếu bầu 2 đại biểu; loại phiếu bầu 3 đại biểu...

Để việc kiểm phiếu được chính xác, Tổ bầu cử phân công ít nhất 3 người kiểm phiếu, gồm: 1 người đọc, 1 người ghi, 1 người kiểm tra việc đọc và ghi.

Tỉ lệ phần trăm (%) trong các biên bản kết quả bầu cử được xác định đến số ở hàng thập phân thứ hai (chữ số thứ hai sau dấu thập phân) và được làm tròn số để bảo đảm tổng tỉ lệ phần trăm của các tiêu chí, thành phần là 100%. Nếu chữ số thứ ba sau dấu thập phân là từ 5 trở lên thì được làm tròn lên thêm 1 đơn vị vào chữ số ở hàng thập phân thứ hai. Ví dụ: 22,566% thì được làm tròn thành 22,57%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn